Số ca mắc bệnh sán chó tại Khánh Hòa tăng đột biến và không có dấu hiệu ngừng lại khiến người dân lo lắng.

Trên báo Tuổi Trẻ, ngày 20/11, bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình – Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, số ca mắc giun sán chó (mèo) liên tục gia tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Theo bác sĩ Bình, từ tháng 1 đến tháng 3/2019, bệnh viện tiếp nhận trung bình 120-150 ca/tháng. Từ tháng 4 trở đi, con số này tăng lên 200 ca/tháng.

Trong những bệnh nhân tới khám và điều trị, có những bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc, nuôi chó, mèo nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Khi khai thác dịch tễ học ở những người này, hầu hết họ có thói quen ăn rau sống. Rất có thể rau sống các bệnh nhân ăn dính phân chó (mèo) có nhiễm giun sán nhưng không được rửa sạch.

Ăn rau sống cần rửa thật sạch để tránh nhiễm sán chó (ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống).

Phôi của giun, sán chó có thể sống ở môi trường tự nhiên đến 20 ngày. Vì thế người dân không được chủ quan, cần rửa tay sạch trước khi ăn, rau sống phải rửa sạch bằng thuốc tím và rửa dưới vòi nước đang chảy.

Không chỉ chó, mèo thả rông mà cả chó, mèo cảnh đã được tắm rửa sạch sẽ cũng không loại trừ các loại ký sinh trùng gây bệnh. Sán chó được ghi nhận có mặt ở trên 80% đàn chó vùng nhiệt đới và bệnh sán chó có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ thành phố đến nông thôn, theo VTV.

Giáo sư Nguyễn Văn Đề – nguyên trưởng Bộ môn Ký Sinh trùng – trường Đại học Y Hà Nội cho biết trên Infonet, sán giun chó mèo có tên là Toxocara app. Đây là loại ký sinh trùng hình ống dài giống như giun đũa ở người, nhưng nhỏ hơn.

Với một số trường hợp, nuôi chó mèo và không quản lý được phân động vật nuôi, trứng giun đũa chó mèo bám vào rau sống nếu con người ăn phải sẽ nhiễm bệnh.

Bàn tay nhiễm giun lươn (ảnh: Tuổi Trẻ).

Sau khi ăn phải rau sống có chứa ấu trùng Toxocara app. Ấu trùng này sẽ đi vào cơ thể, xuyên thành niêm mạc ruột đến các cơ quan gan, phổi, não, tim, cơ xương, mắt thông qua cơ chế cơ học và sự tham gia của các enzyme protease. Các ấu trùng di chuyển sẽ bị ngăn chặn hoặc ảnh hưởng bởi đáp ứng miễn dịch dẫn đến phản ứng viêm tại chỗ, tăng bạch cầu ái toan. Nhiều trường hợp có các biểu hiện khác nhau như người bệnh ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó tiêu, đau nhức mỏi, tê bì, sốt, thở khò khè, giảm cân…

Ngoài ra, người bệnh có thể kèm một hoặc các triệu chứng sau: gan to, viêm phổi, đau bụng mạn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực, viêm mắt, tổn thương võng mạc.

Một số trường hợp không ăn rau sống vẫn mắc giun chó mèo, theo giáo sư Đề, trứng giun có trong phân chó, mèo và bị dính trên lông. Nếu con người vuốt ve, trứng giun theo lông vật nuôi bám vào tay và qua đường ăn uống vào thành ruột, máu và đi khắp cơ thể. Ở trẻ nhỏ tỷ lệ nhiễm giun chó mèo cũng rất nhiều. Ví dụ theo một thống kê tại Mỹ mỗi năm có ít nhất 70 người (chủ yếu là trẻ em) bị mù do bệnh này.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa (ảnh: Tuổi Trẻ).

Ấu trùng sán dây chó có thể ký sinh ở động vật có vú và con người. Ở con người ấu trùng sán dây chó thường ký sinh ở gan tạo ra những bọc nước lớn chứa nhiều đầu sán, các bọc nước này thường ở gan tới 65%, ở phổi 10% và ở một số cơ quan khác như não, thận…

Khi bọc nước vỡ ra giải phóng các đầu sán và các đầu sán này lại bám vào phủ tạng tạo nên nang nước mới. Nang sán này có thể ở da, ở tim, ở não…

Để phòng bệnh, GS Đề cho biết, cách tốt nhất vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. Nếu nhà nuôi chó, mèo cần tẩy giun, sán theo định kỳ. Cần dọn dẹp sạch sẽ nơi vật nuôi nằm.