Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở thủ đô Moscow của nước Nga là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Vào ngày 5 tháng 12 năm 1931, công trình đã bị phá hủy bằng thuốc nổ, lấy chỗ để xây dựng Cung Xô-viết (dự kiến cao 500m). Tuy nhiên Cung Xô-viết không bao giờ được hoàn thành và năm 1989, nhà thờ được phục sinh kỳ diệu.

Vào ngày 22 tháng 9, 1839, Nhà thờ Chúa Cứu Thế được động thổ long trọng trên ngọn đồi Alexeevsky ở Moscow, 7 năm sau khi dự án xây dựng nhà thờ của kiến ​​trúc sư K.A. Thon được phê duyệt. Nga Hoàng Nicholas là người đích thân lựa chọn địa điểm xây dựng công trình, trên phần đất của tu viện Alexeevsky cũ, trong khi tu viện này được chuyển đến Krasnoye Selo (ngày nay là tu viện Novo-Alexeevky).

Nhà thờ Chúa Cứu Thế Moscow cuối thế kỷ 19.(Ảnh: gizmodo.com)

Nhà thờ Chúa Cứu Thế được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1839 đến 1883. Chiều cao của công trình từ chân đế đến thánh giá là 103,5m, độ dày của tường là 3m 20 cm. Các bức tường kép có các hành lang, trong đó có 177 đài tưởng niệm bằng đá cẩm thạch mô tả về các sự kiện trong cuộc Chiến tranh yêu nước năm 1812 và các chiến dịch của Nga trong giai đoạn 1813-1814 được đặt theo thứ tự thời gian. Nhà thờ được trang trí bởi 38 họa sĩ; có thể kể tên một số nổi bật như V. V. Vereshchagin, V. I. Surikov, K. E. Makovsky, F. A. Bruni, I. N. Kramskoy, G. I. Semiradsky, v.v..

Nhà thờ bị cho nổ để lấy chỗ xây dựng đài kỷ niệm Soviet. (Ảnh: russiau.com)

Vào ngày 5 tháng 12 năm 1931, nhà thờ đã bị phá hủy bằng thuốc nổ, lấy chỗ để xây dựng Cung Xô-viết (dự kiến cao 500m), Nhưng chiến tranh thế giới thứ 2 đã làm cho việc xây dựng công trình đó không bao giờ trở thành hiện thực. Năm 1958, bể bơi Moskva – bể bơi ngoài trời lớn nhất thế giới với đường kính 129 mét – đã được xây dựng tại nơi này và tồn tại cho đến năm 1994.

Bể bơi ngoài trời lớn nhất thế giới ở Moscow, trước năm 1995, (Ảnh: russiau.com)

Từ năm 1989, Nhà thờ Chúa Cứu Thế đã được quyết định xây dựng lại. Vào năm 1990, một nền móng tạm thời đã được đặt ở phía đông của hồ bơi. Đến tháng 12 năm 2000 công việc trang trí nhà thờ đã hoàn thành. Cấu trúc nhà thờ mới khác nhà thờ ban đầu bởi hệ thống cột đỡ (do tầng hầm kéo dài) dành cho các hạng mục như Bảo tàng, Hội trường Nhà thờ, Hội trường của Hội đồng quản trị linh thiêng nhất, các phòng ăn và các phòng dịch vụ kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên, nhà thờ mới vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống, bao gồm một số yếu tố xưa cũ, như các tấm bia tưởng niệm bằng đá cẩm thạch từ các hành lang đường vòng và các mảnh vỡ của những biểu tượng chính.

Nhà thờ sau khi xây dựng lại. (Ảnh: orthochristian.com)

Một trong những người tham gia nghi lễ đặt lại nền móng cho Nhà thờ Chúa Cứu Thế vào ngày 7 tháng 1 năm 1995 – linh mục Leonid Kalinin – kể lại về một hiện tượng linh thiêng kỳ diệu đã xảy ra trong buổi lễ:

Khi chúng tôi đến vị trí đặt một viên đá làm nền móng, mặt trời đột nhiên xuất hiện trên bầu trời vốn đang bao phủ đầy mây. Và khi trưởng giáo phận bắt đầu đọc lời cầu nguyện, tôi thấy có một ngọn lửa vàng kim từ trên trời phóng xuống. xuyên qua tôi và những người tham dự, và bao phủ khu vực dự kiến xây dựng công trình. Có hàng trăm người đang ở đó, và họ đều nói rằng họ cảm thấy có điều gì đó bất thường“.

(Ảnh: russiau.com)

Vị linh mục khi đó đang cầm một biểu ngữ của nhà thờ, đứng ngay trước mặt trưởng giáo phận Alexy II và các quan chức chính phủ, và “nhìn thấy ông Yury Luzhkov liên tục làm dấu hiệu thánh giá trong khi chủ nhiệm văn phòng tổng thống là Serge Filatov và Thủ tướng Viktor Chernomyrdin đang cười và nói điều gì đó với ngài thị trưởng, mà sau đó được biết là họ đang cười nhạo ông Yury”. Cha Leonid nói tiếp:

Tuy nhiên, vào lúc tôi nhìn thấy ngọn lửa vàng kim thì thủ tướng Chernomyrdin và ông Filatov cũng đột nhiên ngừng nói chuyện, không cười nhạo nữa, mà bỏ mũ xuống và cũng làm dấu thánh giá“.

(Ảnh: trover.com)

Sau khi xây dựng lại, nhà thờ có sức chứa tới 10.000 người, trong những không gian nội thất nội thất được điểm xuyết bằng những bức tranh bích họa đẹp. Nhà thờ Chúa Cứu Thế nổi bật với mặt tiền bằng đá và đá cẩm thạch trắng, với bốn cột, cũng như năm mái vòm dát vàng trên đó có các cây thánh giá nổi bật và có thể nhìn thấy từ nhiều điểm trong thành phố. Trong thành phần trang trí nội thất của nhà thờ này, có thể thấy những tấm đá granit và đá thuộc đủ màu sắc.

Nội thất của Nhà thờ Chúa Cứu Thế ngày nay. (Ảnh: orthochristian.com)
Mái vòm của nhà thờ nhìn từ bên trong. (Ảnh: russiau.com)

Việc tái tạo nhà thờ đã được cố gắng làm giống hệt công trình gốc trong từng chi tiết nhỏ. Nhà thờ nằm ngay phía bắc của sông Moscow gần điện Kremlin, với một góc nhìn hoành tráng về phía khu vực của chính quyền Nga trong nhiều thế kỷ. Các không gian khác nhau của nhà thờ vẫn gợi lại cuộc Chiến tranh Yêu nước qua hình ảnh và tác phẩm điêu khắc của những người đã cống hiến cuộc đời cho nước Nga. Hơn một triệu người Nga đã quyên góp tiền để tái thiết nhà thờ này.

Trần nhà trang trí bằng đèn nến chùm bên trong nhà thờ. (Ảnh: 123rf.com)
Tranh vẽ trên trần và cửa sổ được trang trí bởi hàng cây nến. (Ảnh: 123rf.com)

Sau khi được phục sinh, Nhà thờ Chúa Cứu Thế đã trở thành Nhà thờ chính tòa của Moscow, nơi tổ chức các lễ hội chính của cơ đốc giáo và giữ gìn vẻ đẹp đáng tự hào của kiến trúc nhà thờ cổ châu Âu.

Nhà thờ Chúa Cứu Thế nhìn từ xa. (Ảnh: orthochristian.com)

Lược dịch theo Paul Gilbert & Biswajit Choudhury từ các nguồn: orthochristian.com; vancouverdesi.com; russiau.com

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__