Tấm vải liệm thành Turin được nhiều người cho là tấm vải quàng lên thân thể Chúa Jesus sau khi Ngài bị đóng đinh trên giá thập tử. Những cũng có những người hoài nghi cho rằng đây chỉ là một món đồ giả mạo, nhiều nhất cũng chỉ là một di vật tôn giáo mang ý nghĩa lịch sử mà thôi. Vậy các nghiên cứu hiện đại cho chúng ta biết điều gì về tấm vải này?

Tấm vải liệm Turin, một tấm vải dệt nhạt màu dài 4,2 mét, có các vệt màu nâu đỏ đặc thù ở mặt trước và sau. Trên tấm vải có hình ảnh một người đàn ông nằm sấp mặt với hai bàn tay bắt chéo trước bụng. Mặt trước và mặt sau của phần đầu nằm ngay ngắn ở chính giữa, cho thấy tấm vải đã quấn quanh thi thể một người.

Tấm vải liệm bọc thi thể Chúa Giê-su: Bí ẩn thiên niên kỷ
Ảnh chụp toàn chiều dài tấm vải liệm Turin (ảnh: Wikimedia).

Từ tấm vải liệm có thể nhận thấy vô số vết thương khủng khiếp trên cơ thể người này, như vết rạch, vết đục, vết đâm, và vết lằn roi. Tấm vải liệm này là bằng chứng mạnh mẽ cho sự kiện đóng đinh của Chúa Giê-su và mô tả trong Kinh Thánh về cái chết của Ngài. Dù vậy, khoa học và lịch sử cho thấy còn nhiều điều bí ẩn hơn đằng sau câu chuyện này.

Lịch sử bí ẩn của tấm vải liệm Turin

Tấm vải xuất hiện vào cuối thế kỷ 14. Các học giả tranh luận về sự tồn tại của nó trước năm 1390, miêu tả khoảng thời gian này như “một thời kỳ u ám”. Ngay cả vào thời Trung Cổ, vẫn có những tranh cãi về tính xác thực của tấm vải, khi một số văn bản trao đổi viết tay giữa các bậc chức sắc trong Giáo Hội vào thời điểm đó cho rằng đây là một trò giả mạo. Tuy nhiên, các nhà sử học cho biết có một vài “tấm vải” khác đã xuất hiện vào thời điểm đó, nên các tuyên bố giả mạo đó không liên quan gì đến tấm vải liệm này, hiện được đặt tại nhà thờ ở Turin (Italy).

Kể từ thế kỷ 15, sự tồn tại của tấm vải liệm bắt đầu được ghi chép cẩn thận. Nó đã được chuyển đến Nhà Savoy ở Ý (một gia đình hoàng gia lâu đời) vào năm 1453, sau đó bị hư hại trong một vụ hỏa hoạn. Di vật này được vá và phục chế nhiều lần. Nó được đặt trong một nhà nguyện vào thế kỷ 17, nhưng đến tận 200 năm sau, nó mới được đưa ra công chúng và chụp ảnh lần đầu.

Ảnh âm bản của tấm vải liệm Turin (ảnh: Wikimedia).

Chính những bức ảnh này đã đưa tấm vải từ một di vật thông thường thành một biểu tượng gây chấn động mạnh trong công chúng. Các bức ảnh không có gì đáng chú ý, cho đến khi được quan sát dưới dạng âm bản, trong đó hiện rất rõ hình một người đàn ông có râu bị thương. Trước đây từng có nghi vấn hình ảnh này được một nghệ sĩ nào đó trong lịch sử vẽ lên tấm vải, nhưng việc phát hiện hình ảnh một cơ thể chi tiết trên nó đã thuyết phục nhiều người hình ảnh này được tạo ra khi tiếp xúc với thi thể một người thật. Một số tín đồ Kitô giáo tin rằng đây là hình ảnh phản chiếu từ cơ thể Chúa Jesus lên tấm vải khi Ngài phục sinh nhờ “ánh sáng thần thánh” và năng lượng phát ra từ cơ thể Ngài.

Dù vậy, Giáo hội Công giáo chưa từng chính thức công nhận tính xác thực của tấm vải liệm, và nó chỉ được mô tả như một “tấm gương của sách Phúc Âm”, thậm chí một “di vật đặc biệt” của Giáo hoàng John Paul II. Như tờ The Independent có đề cập trong một bài viết năm 2018, “quan điểm chính thức của Giáo hội là tấm vải liệm chỉ là một biểu tượng nghệ thuật của Chúa Giê-su chứ không phải là một thánh tích”.

Tuy nhiên, nhà thờ khuyến khích các tín đồ bái lễ di vật này, và tấm vải liệm đã được các tín đồ bảo vệ và tôn kính trong nhiều thế kỷ. Nó hiện đang được trưng bày dưới lớp kính chống đạn trong một cái tủ kính kín khí ở Turin (miền bắc Italy), dưới sự giám sát của camera, máy bay drone và cảnh sát,. 

Thảo luận về tính chất bí ẩn của tấm vải, Philip Ball, cựu biên tập viên tạp chí khoa học danh giá Nature bình luận như sau: 

“Công bằng mà nói, bất chấp kết quả có vẻ như chém đinh chặt sắt của nghiên cứu năm 1988, danh tính thật sự của tấm vải liệm Turin vẫn còn rất bí ẩn. Đặc biệt, bản chất của hình ảnh thi thể và cách nó được cố định lên tấm vải vẫn còn rất khó giải thích”. Nhiều phần của ẩn đố vẫn chưa được giải đáp trong nhiều thập kỷ tiếp theo, biến tấm vải liệm Turin thành một trong những di vật gây tranh cãi và bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại.

Tấm vải liệm bọc thi thể Chúa Giê-su: Bí ẩn thiên niên kỷ
Một poster quảng cáo triển lãm tấm vải liệm ở Turin vào năm 1898 (ảnh: wikimedia).

Khoa học và những tiết lộ chấn động

Giới khoa học lần đầu được phép giám định nó vào năm 1969, kể từ đó một loạt các thử nghiệm đã được thực hiện trên tấm vải liệm, bao gồm phân tích vật lý, giám định hóa học và xác định niên đại bằng carbon. Các cuộc kiểm tra ban đầu đã cho ra đời Ủy ban Turin, gồm 11 thành viên là các nhà khoa học và cố vấn. Đến năm 1977, Dự án nghiên cứu Tấm vải liệm Turin (Shroud of Turin Research Project – STURP) hình thành.

Những phát hiện của họ, dựa trên một loạt các bài kiểm tra nghiêm ngặt, được báo cáo vào năm 1981, nêu rõ:

“Hiện chúng tôi có thể kết luận hình ảnh trên tấm vải là của một người thật, của một người đàn ông bị đóng đinh và quất roi. Nó không phải sản phẩm của một nghệ sĩ. Các vết máu chứa huyết sắc tố ( hemoglobin) và cho kết quả dương tính với albumin huyết thanh. Hình ảnh trên tấm vải sẽ tiếp tục là một bí ẩn, và cho đến khi các nghiên cứu hóa học tiếp theo được thực hiện … thì vấn đề này vẫn chưa thể được giải quyết”.

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của sắc tố nhân tạo, tức là hình ảnh trên tấm vải được tạo ra bởi cơ thể người thật, nhưng vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi “bằng cách nào?”.

Kết quả định tuổi bằng phóng xạ carbon 14 cho thấy tấm vải liệm có từ khoảng thời gian 1260 – 1313 sau Công nguyên. Đây là một phát hiện gây chấn động, bởi nó mâu thuẫn với mốc thời điểm tử vong của Chúa Giê-su. Tuy vậy, các nhà phê bình cho rằng mẫu vải mang đi xét nghiệm là từ các miếng vải gần đây được chắp vá vào bản gốc, chứ không phải bản gốc. Ngoài ra, tấm vải liệm có thể đã tiếp xúc với nguồn nhiệt lớn, bị vấy bẩn hoặc các tổn hại khác khiến kết quả định tuổi bị thiên lệch.

Tấm vải liệm bọc thi thể Chúa Giê-su: Bí ẩn thiên niên kỷ
Ảnh chụp Giáo hoàng Francis ghé thăm tấm vải liệm Turin trên tờ Vatican News.

Năm 1998, văn phòng cựu Tổng Giám mục thành phố Turin, Anastasio Alberto Ballestrero, tuyên bố kết quả định tuổi bằng carbon phóng xạ đã bị can thiệp trong “một âm mưu của Hội Tam điểm hải ngoại”.

Thi thể bên trong

Dấu vết trên tấm vải hiển lộ các vết thương và vệt máu của một thi thể. Hình ảnh trên tấm vải cho thấy một thi thể bị tổn thương bởi các vết cắt trên khắp cơ thể; có thể thấy rõ các vết đâm, vết đục và vết thương dài. Trên một bàn tay có một vết đâm xuyên lớn, to tròn. Một vết đâm lớn tương tự có thể thấy trên bàn chân.

Tấm vải liệm bọc thi thể Chúa Giê-su: Bí ẩn thiên niên kỷ
Tấm vải liệm nổi tiếng của thành Turin, di vật tôn giáo và cổ vật bí ẩn (ảnh: Wikimedia)

Gương mặt râu quai nón của người đàn ông bị sưng và biến dạng do bị đánh đập nặng nề. Vết máu dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi, đặc biệt gần mặt và cả hai cánh tay.

Bí ẩn trong những bí ẩn – Hình ảnh này được tạo ra như thế nào?

Dù đã làm rất nhiều nghiên cứu, nhưng vẫn không có câu trả lời thuyết phục nào cho câu hỏi những hình ảnh trên tấm vải liệm được tạo ra như thế nào. Đối với các tín đồ, đây là một phép lạ. Người ta xác định hình ảnh người không phải được vẽ lên, mà được thẩm thấu vào tấm vải lanh. Nhiều nỗ lực nhằm tái tạo hình ảnh này, nhằm tái tạo “sự thẩm thấu bất thường” của màu sắc lên tấm vải, đều thất bại. Nhà vật lý Paolo Di Lazzaro – chuyên gia hàng đầu về tấm vải – gọi đây là “câu hỏi trong những câu hỏi”, rằng:

Hình ảnh này được tạo ra như thế nào?

Di Lazzaro và đồng nghiệp sử dụng tia laser tiên tiến nhất để bắn các chùm tia cực tím ngắn, mạnh lên tấm vải lanh thô nhằm tái tạo hình ảnh. Cuối cùng, họ thất bại, khi không thể tái tạo một hình người hoàn chỉnh. Khoa học không thể tái tạo nó. Làm thế nào cổ vật này có thể được tạo ra vào một thời kỳ xa xưa như vậy?

“Có vẻ khoa học sẽ không thể đưa ra một đáp án đầy đủ cho những ẩn đố xoay quanh tấm vải liệm. Chúng ta cần đến một bước nhảy vọt của niềm tin, đối với những câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng. Có thể đó là “niềm tin” của những kẻ hoài nghi, hay đức tin của các tín đồ”, Di Lazzarro chia sẻ với tờ National Geographic vào năm 2015.

videoinfo__video3.dkn.tv||61668c341__