Cô giáo Uminur Kuchukova, 61 tuổi, đáng lẽ đã có thể nghỉ hưu nhiều năm trước nhưng cô vẫn tiếp tục làm việc tại trường học trong ngôi làng hẻo lánh này để dạy học sinh cuối cùng. Năm tới, khi cô thôi dạy học, trường sẽ đóng cửa. 

Giống như hàng ngàn ngôi làng nằm rải rác khắp nước nước Nga, ngôi làng Sibilyakovo hẻo lánh ở vùng Siberia gần như chẳng còn ai sau khi Liên Xô sụp đổ, kéo theo các hợp tác xã nông nghiệp đóng cửa từ năm 1991. Công việc chẳng còn và mọi người cứ thế bỏ đi.

Vào thời hoàng kim những năm 1970, trường tiểu học Sibilyakovo có 4 lớp, mỗi lớp khoảng 18 trẻ và dân số trong làng là 550 người. Cô Kuchukova đã giảng dạy tại trường trong 42 năm.

Ngày nay, ngôi làng của cô hoang tàn, khắp nơi là nhà bỏ hoang. Dân số giảm xuống còn 39 người và cậu bé Ravil Izhmukhametov (9 tuổi) là học sinh duy nhất của trường.

Cậu bé Ravil Izhmukhametov, 9 tuổi, là học sinh duy nhất tại ngôi làng Sibilyakovo.

Kuchukova đã mua một ngôi nhà ở thị trấn Tara cách làng khoảng 30 dặm. Cô dự định sẽ cùng chồng sinh sống tại đó sau khi nghỉ hưu, tức là lúc cậu bé Ravil đủ tuổi để theo học tại trường làng bên cạnh. Để tới trường học gần nhất mất 30 phút đi thuyền qua sông Irtysh và thêm 20 phút đi xe bus. 

“Tôi cảm thấy tiếc cho cậu bé. Bố mẹ Ravil chưa muốn rời khỏi làng Sibilyakovo. Thật đáng sợ khi để cậu bé qua sông Irtysh, nước ở đó đầy những con sóng lớn”. 

Ngôi làng chủ yếu là nơi sinh sống của Tatars, một nhóm dân tộc thiểu số ở Nga. Cha mẹ của Izhmukhametov là nông dân, họ sở hữu đàn gia súc nhưng họ không muốn con trai ở lại làng khi lớn lên. “Các con cả của chúng tôi đều sống trong thành phố và chúng tôi rất vui vì điều này”, bố Ravil, anh Dinar Izhmukhametov, 48 tuổi chia sẻ. 

Ravil nói rằng cậu bé không thích chuyển đến thành phố, nhưng cũng biết mình buộc phải rời đi vào một ngày nào đó. 

Ravil trong ngày đầu đi học.

Khi được phóng viên hỏi đi học mà không có bạn cảm giác thế nào, cậu bé Ravil không hề bối rối: “Cháu không có ai để so sánh nhưng đương nhiên cháu vẫn thích có bạn, vì vậy cháu mong sẽ được theo học ở ngôi trường lớn hơn”, Ravil nói.

Nhìn lại sự nghiệp giáo viên hơn 40 năm của mình, Kuchukova thấy buồn vì ngôi trường cô theo dạy sẽ sớm phải đóng cửa. 

“Bây giờ Sibilyakovo sẽ rơi vào tình cảnh như những ngôi làng lân cận, chẳng còn ai cần đến, trong khi dân thành thị lại không tìm được nhà trẻ cho con em mình và chúng thậm chí phải xếp hàng từ khi mới được sinh ra”, Kuchukova nói.

Tuy sẽ sớm chuyển đến sống ở Tara, nhưng Kuchukova cho biết cô sẽ không bao giờ quên nơi này.

“Cha mẹ tôi được chôn cất tại đây, một phần trong tôi thuộc về ngôi làng này. Chúng tôi sẽ dành những ngày tưởng niệm tại đây khi mọi người trở về để tưởng nhớ người đã khuất. Chúng tôi sẽ về và dọn dẹp xung quanh những ngôi mộ”, cô cho biết.

Ngọc Mai

Theo Reuters

Video xem thêm: Mục đích cao nhất của giáo dục là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||1d82f5b69__