Đằng sau những đứa con thành đạt chính là những ông bố bà mẹ vĩ đại. Những bậc cha mẹ thành công là những người luôn dành thời gian để giáo dục con cái.

1. Cha luôn bên con, đứa trẻ sẽ càng ưu tú

Một cuộc khảo sát giáo dục ở Trung Quốc cho thấy 42% trẻ chỉ có mẹ dạy bảo, 32% trẻ có sự hỗ trợ từ ông bà và người thân, chỉ có 12% là các em có cha đóng vai trò giáo dục con trẻ trong gia đình.

Nhiều người tâm sự rằng người cha giống như một ngọn núi, im lặng và hùng vĩ nhưng cũng rất khó hiểu.

Tôi thường nghe được những bậc làm cha giải thích như thế này: “Tôi cũng muốn chăm sóc con cái nhưng lại vướng quá nhiều việc nên rất bận rộn”. “Vì để kiếm tiền cho gia đình nên dĩ nhiên là thời gian dành cho con cái sẽ ít hơn, không còn cách nào khác”. “Đứa trẻ có mẹ chăm nom chưa đủ sao. Cứ bảo tính khí không tốt, khiến con khóc rồi lại trách tôi”.

Trong nhiều gia đình, người cha thường vắng mặt không có ở nhà. Trên bước đường trưởng thành của con luôn chỉ có mẹ chứng kiến và nhìn thấy trước. Mỗi lần trước khi con đi ngủ cũng là mẹ đọc truyện cho nghe. Mỗi khi con bị bệnh đều là mẹ chăm sóc.

Nhà văn nổi tiếng Long Ứng Đài cho biết: “Cha mẹ cũng giống như thức ăn vậy, đều có hạn sử dụng. Có vài người mãi đến khi hết hạn họ mới tỉnh ngộ. Cũng có nhiều người dù rất bận rộn nhưng vẫn cố hoàn thành trách nhiệm khi hạn sử dụng vẫn còn”.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Peru ở Hoa Kỳ cho thấy, trẻ em được cha nuôi lớn có chỉ số IQ cao, điểm số ở trường cũng tốt hơn và có nhiều khả năng thành công trong xã hội.

Chỉ cần để ý một chút, bậc cha mẹ sẽ phát hiện ra đứa trẻ được cha bầu bạn dạy bảo thường phát triển toàn diện hơn. Trẻ sẽ càng ngày càng tự tin, không ích kỷ nhỏ nhen, không vì nói sai một câu mà thành tự ti. Chúng cũng có khả năng tự kiềm chế trước những cám dỗ để bảo vệ bản thân.

Có cha đồng hành, con lớn lên sẽ càng ưu tú (ảnh: Tiin).

Nội tâm của đứa trẻ khi luôn có cha bên cạnh thường cảm thấy an toàn hơn. Chúng sẽ không vì thất bại nhỏ mà tự trách, tự ti và suy nghĩ tiêu cực. Sự quan tâm giáo dục của cha vô cùng quan trọng đối với trẻ. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều ông bố luôn mải mê theo đuổi thành công trong sự nghiệp mà lãng quên việc dạy bảo con cái, như vậy thì thành công có ý nghĩa gì?

Có một câu trong cuốn sách “Cha giàu cha nghèo”: “Người cha thành công chính là luôn có thời gian chăm sóc con cái của mình”.

Các chức vị trong công ty luôn có thể thay thế nhưng vai trò của cha mẹ thì không. Đầu tư có lãi nhất chính là đầu tư chăm sóc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Bậc làm cha không nên quên việc đồng hành cùng con khiến chúng cảm thấy bị tổn thương. Đừng để đến tuổi già mới hối hận vì đã không làm tốt vai trò của người cha.

2. Tâm trạng của mẹ tốt, con trẻ cũng sẽ phát triển tính cách tốt

Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, khi đứng ở vai trò làm mẹ, trạng thái cảm xúc của họ thường bị rối loạn. Bởi vì họ phải lo việc nhà rồi công việc cơ quan, chăm sóc con từ ăn uống đến quần áo và còn phải kèm con học. Tất cả điều này khiến họ cảm thấy quá áp lực. Khi sức chịu đựng lên đỉnh điểm, họ rất dễ nổi nóng, có lúc muốn bỏ bê mọi chuyện, có lúc tức giận đánh con một trận.

Đối với người mẹ mà nói, sự bực bội phát ra ngoài xong rồi quên ngay nhưng lại khiến con trẻ xuất hiện những vết thương lòng. Chúng sẽ phát triển tính cách sợ hãi.

Từ nhỏ, diễn viên Trần Kiều Ân không có được cảm giác an toàn. Mỗi khi nhắc đến mẹ, cô nói: “Lúc còn nhỏ tôi thường sống trong sợ hãi, không biết nên nói chuyện với mẹ như thế nào vì sợ mẹ sẽ đánh”.

Tâm trạng không tốt của mẹ sẽ gieo một hạt giống xấu vào trái tim đứa trẻ. Khi chúng trưởng thành, hạt giống này sẽ phát triển thành một khóm cỏ dại, nó sẽ chi phối các lựa chọn và cảm xúc của con. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng điều này thật nhỏ nhặt nhưng trong ký ức của trẻ em, chúng đồng nghĩa với sợ hãi, lo lắng và rụt rè khó có thể xóa bỏ.

Bà Hồng Lan, một tiến sĩ, bác sĩ tâm lý não ở Đài Loan, đã giải thích từ góc độ khoa học về vấn đề này trong bài phát biểu TED của mình:

“Năng lượng cảm xúc của phụ nữ vượt xa đàn ông. Người mẹ là linh hồn của gia đình, mẹ vui cả nhà vui, mẹ lo âu cả nhà lo âu. Tâm trạng của người mẹ quyết định bầu không khí trong gia đình và lặng lẽ định hướng tính cách của đứa trẻ. 

Tâm trạng của mẹ thất thường sẽ khiến đứa trẻ luôn cảm thấy lo âu, nhạy cảm, tự ti và hình thành thói quen nhìn sắc mặt người khác. Cho dù chúng đạt thành tích lớn đến thế nào, nội tâm vẫn luôn cảm thấy không tự tin.

Ngược lại, tâm trạng của mẹ luôn tốt sẽ khiến không khí gia đình tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Điều này sẽ nuôi dưỡng sự tự tin và lạc quan của trẻ. Chúng luôn cảm nhận được sự an toàn, không sợ nói sai sẽ bị mẹ trách mắng”.

Mẹ có tâm trạng tốt sẽ khiến cả gia đình ngập tràn niềm vui (ảnh: Doanh Nhân Plus).

Ở một góc độ nào đó, thái độ tốt của người mẹ sẽ tạo nên tính cách tốt ở trẻ. Nhiều bà mẹ hy vọng con sẽ có tính cách độc lập, tự tin và lạc quan trong cuộc sống ngay từ khi bé còn trong bụng. Tuy nhiên, có bao nhiêu bậc làm mẹ có thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân để con cảm thấy an toàn, tự tin và có khả năng tự kiểm soát?

Kỳ thực, kiểm soát cảm xúc của bản thân không quá khó. Chỉ cần cha mẹ hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh và tỉnh táo để dạy con bằng ngữ khí nhẹ nhàng, trẻ sẽ nghe lời và không bị tổn thương.

3. Cha luôn bên con, tâm trạng của mẹ tốt, cả hai điều này đều không thể thiếu khi nuôi dạy con trẻ được tốt nhất

Có một câu nói lưu truyền rộng trong giới trẻ: “Chúa ban cho một người cha vắng nhà thì cũng thường kèm theo một người mẹ luôn lo lắng đủ điều và cuối cùng sẽ nuôi dạy đứa trẻ thành mất kiểm soát”.

Đối với con trẻ mà nói, giáo dục gia đình tốt nhất không phải là cha mẹ cho con bao nhiêu của cải, mà là người cha luôn đi cùng con và người mẹ có tâm trạng tốt. Cả hai điều này đều không thể thiếu nếu muốn con trẻ được giáo dục tốt nhất.

Mỗi đứa trẻ cũng giống như cây non cần sự kiên nhẫn chăm sóc nhẹ nhàng để chúng phát triển thành cây cao lớn. Cha mẹ chỉ cần quan tâm hơn một chút, cho con thêm sự ấm áp, đứa trẻ đều có thể cảm nhận được.

San San

Theo Secret China

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__