Nhiều người cho rằng nhiệm vụ của mình là phải làm sao cho cuộc sống trở nên tốt hơn, vì thế nên nỗ lực tranh đấu. Tuy vậy, sự thực là một trái tim nhân từ có thể hóa giải mọi mâu thuẫn, và đôi khi đi theo con đường ngược lại lại chính là lối ra.

Điều gì khiến bạn luôn bất mãn?

Có phải bạn đang ở đâu đó trên con đường tạo ấn tượng rằng mình cần phải trở nên phi thường để xứng đáng có một vị trí trên thế giới? Có phải bạn cho rằng mình luôn trong trạng thái “chiến đấu”, tức giận với người khác và với cuộc sống của chính mình, bị tra tấn bởi vô số gánh nặng…? Với quan niệm rằng “Kẻ mạnh là kẻ được”, chúng ta đang theo đuổi và giành lấy tất cả những gì mình cho là tốt.

Nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Isha Foundation, ông Sadhguru đã mô tả một tình huống như thế này: Thời điểm bạn đang theo đuổi hạnh phúc của mình, bạn sẽ xung đột với phần còn lại của thế giới. Giả sử tôi đang theo đuổi hạnh phúc của mình theo một hướng, bạn đang theo đuổi hạnh phúc của mình theo hướng ngược lại, và cả hai chúng ta gặp nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra? Ban đầu, nhờ vào giáo dục, văn hóa của bạn hay điều gì đó khác, bạn sẽ nói, “Xin vui lòng tránh xa khỏi tôi”. Nhưng tôi đâu có chịu. Sau đó, bạn muốn nhẹ nhàng đẩy tôi sang một bên và đi. Dù vậy, tôi không chịu đi. Sau đó, bạn muốn xô tôi và đi, nhưng tôi lại từ chối. Điều tiếp theo là bạn muốn bắn tôi.

Bằng cách này hay cách khác, bạn muốn thoát khỏi bất cứ điều gì cản trở mục đích của bạn. Bạn có thể không đủ can đảm để bắn ai đó, nhưng bạn muốn người đó ít nhất bằng cách nào đó tự mình biến mất khỏi hành tinh. Rồi bạn gặp một người “khổng lồ” đáng ghét khác đang theo đuổi mục tiêu giống như bạn. Nếu bạn tình cờ bị hắn chà đạp, bạn nghĩ rằng thế giới là không công bằng. Bạn ước sao mình gặp một con kiến ​​và chà đạp lên nó, bạn cho đó là công bằng.

Và từ đó, “căn bệnh” của con người chúng ta càng ngày càng trầm trọng, biểu hiện trên bề mặt chính là sự bất mãn, than phiền, luôn cảm thấy bất công mãi không thôi.

Ảnh: stern.de

Chúng ta tưởng tượng rằng một cuộc sống yên tĩnh là điều mà chỉ những người thất bại không có lựa chọn nào khác tìm kiếm đến. Tuy nhiên, những người dựng lên các tòa nhà chọc trời, viết những cuốn sách bán chạy nhất, biểu diễn trên sân khấu với nụ cười luôn nở trên môi, trên thực tế, có thể là những người chịu rất nhiều áp lực và lo lắng. Họ rơi các các trạng thái trầm cảm khác nhau. Trong khi những người có cuộc sống bình thường, hoặc bị xem là “tầm thường”, lại có thể là những tâm hồn bình ổn và khoáng đạt nhất.

Ông Sadhguru đưa ra nhận định rằng: “Nó phụ thuộc vào những gì bạn nhận được từ cuộc sống. Nếu bạn có được nhiều thứ tốt trong cuộc sống của mình, bạn nghĩ rằng Thiên Chúa rất tốt bụng, từ bi, tuyệt vời, và thế giới thật đẹp. Nếu bạn bị thế giới chà đạp, bạn nghĩ rằng Chúa không công bằng và thế giới là nơi tồi tệ”.

Kinh Thánh giảng rằng: “Chúng ta không thể quyết định điều gì là đúng, sai, công bằng hoặc không công bằng bởi vì, ngay từ đầu, phán đoán của chúng ta đã bị vấy bẩn bởi tội lỗi và, thứ hai, chúng ta không nhìn thấy bức tranh đầy đủ”.

Những than phiền, tranh giành, oán hận mà chúng ta vẫn “nuôi dưỡng” được tác giả Steve Lee gọi là chứng bệnh “Mất trí nhớ tâm linh”, là một căn bệnh chết người đe dọa đức tin và niềm vui của bạn hơn bất kỳ căn bệnh ung thư nào. Nó thâm nhập vào cốt lõi và làm thối rữa trái tim bạn từ bên trong.

Thuốc chữa cho căn bệnh tâm hồn

Nếu toàn bộ cuộc sống của bạn ngập tràn niềm vui, tinh thần lạc quan, và lòng tốt, thì bạn sẽ “bước đi” rất nhẹ nhàng trên hành tinh này. Một trái tim biết ơn và nhân ái sẽ không bị ảnh hưởng bởi tài khoản ngân hàng của bạn, chẩn đoán bác sỹ, hoặc lời khen ngợi bạn nhận được.

Có một câu chuyện kể về một người đàn ông mà mọi người cho rằng rất “kỳ lạ”, bởi vì anh ta không bao giờ than phiền. Anh ta sống cùng mấy người bạn trong một căn phòng nhỏ, cuộc sống rất bất tiện nhưng anh lúc nào cũng vui vẻ. Có người hỏi anh điều này có gì vui chứ. Anh trả lời: “Bạn bè sống cùng nhau, lúc nào cũng có thể trao đổi suy nghĩ, chia sẻ tình cảm, không phải việc đáng vui sao?”.

Một thời gian sau, mấy người bạn lần lượt lập gia đình và dọn đi hết, anh ta chỉ còn một mình nhưng vẫn vui tươi. Người ta lại hỏi anh rằng sống đơn độc thế có gì vui. Anh trả lời: “Tôi có rất nhiều sách! Mỗi cuốn sách là một người thầy. Sống cùng với nhiều người thầy như thế, lúc nào cũng có thể thỉnh giáo họ, chẳng phải đáng vui mừng sao!”.

Ảnh: sheknows.com

Mấy năm sau anh cũng lấy vợ, dọn đến ở tầng trệt ở một chung cư. Người ở tầng trên cứ đổ nước dơ, ném rác, chuột chết, quần áo rách xuống phía dưới, nhưng anh vẫn vui tươi. Người ta thắc mắc thì anh bảo: “Ở tầng trệt rất nhiều điều tuyệt vời, ví dụ như vào cửa là tới nhà, không cần leo cầu thang, chuyển đồ đạc cũng tiện mà không mất nhiều sức, bạn bè đến thăm dễ dàng, tôi lại còn trồng được một ít hoa dưới đất…, những thú vui không sao đếm xuể”.

Một năm sau, người bạn anh ở tầng cao nhất chung cư có mẹ già bị liệt nửa người, lên xuống lầu rất bất tiện, muốn đổi nhà tầng trệt với anh, anh vui vẻ dọn nhà lên ở tầng cao. Thế là, người ta lại cười nhạo hỏi anh còn vui được nữa không. Anh liền đáp: “Phải, điều này hay không kém, này nhé, mỗi ngày lên xuống cầu thang mấy lần là cơ hội tốt để tập thể dục, ánh sáng tốt, đọc sách, viết văn không hại mắt, không ai quấy nhiễu trên đầu mình, ngày đêm đều yên tĩnh”.

Một người có vẻ rất “khờ khạo” như anh chàng này thực ra lại là người rất tốt, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ vững tinh thần lạc quan, không hề oán giận ai, mà lại sẵn sàng giúp đỡ người khác. Như lời khuyên của tiểu thuyết gia nổi tiếng Henry James, khi được hỏi làm thế nào để sống tốt cuộc sống của mình mà không phải phàn nàn điều gì, ông đã trả lời:

Có ba điều rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Đầu tiên là phải tử tế. Thứ hai là tử tế. Và thứ ba là trở nên tử tế.

Rào cản lớn nhất đối với một người là sự sắp đặt giữa sự tử tế với lợi ích cá nhân của chính mình. Trong tác phẩm “Bắt được tình yêu bạn muốn”, Tiến sỹ Harville Hendrix đã nghiên cứu về hiện tượng tâm trí vô thức của chúng ta không thể phân biệt giữa hành động tử tế đối với với người khác và đối với chính chúng ta.

Bộ não của chúng ta, như Tiến sỹ Hendrix đề cập đến, chỉ xử lý các tín hiệu từ vỏ não và không thể phân biệt rõ ràng các hành động hướng ra ngoài hoặc hướng vào trong. Nói cách khác, lòng tốt đối với người khác được bộ não cảm nhận giống như cách mà lòng tốt hướng đến chính mình.

Hãy sống tử tế (ảnh: usiter.com).

Theo Hendrix, cách duy nhất để mỗi người thực sự cảm nhận được tình yêu thương mà tất cả chúng ta khao khát và mong muốn, là đối xử tử tế với người khác. Chỉ khi đó, tâm trí bạn mới nhận được những thông điệp yêu thương cần thiết để chữa lành nỗi đau nội tâm sâu xa. Mỗi chúng ta đều có sức mạnh để liên tục mở rộng lòng nhân ái đến người khác, và gửi đến bộ não chúng ta những thông điệp của tình yêu thương.

Bạn đang đọc bài viết: “Trái tim nhân từ là ngọn nguồn của hạnh phúc” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__