Làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập và tu dưỡng của thế hệ trẻ luôn là câu hỏi lớn của rất nhiều quốc gia. Ngày 3/3/2017, lãnh đạo của tỉnh Chungcheong phía Nam Hàn Quốc ra quyết định mở lại ngôi trường đã bị đóng cửa hàng chục năm nay chỉ để đón duy nhất một cậu học trò 8 tuổi. Câu chuyện đó đã gây xúc động cho hàng triệu người Hàn Quốc. 

Tận tình: Câu chuyện của cậu học trò Ryu Chan-hee, 8 tuổi

Mỗi quốc gia đều mong muốn một nền giáo dục tốt nhất cho con em mình, nhưng để mở trường học cần tính đến rất nhiều yếu tố như vị trí, kinh phí, số lượng học sinh, giáo viên…và rất nhiều vấn đề khác nữa. Bỏ qua tất cả những tính toán đó, người Hàn Quốc có cách nghĩ khác. Đầu năm 2017, một ngôi trường tiểu học đã bị bỏ hoang mấy chục năm nay đã được mở lại để đón cậu học trò Ryu Chan-hee, 8 tuổi nhập học kịp thời gian như bao bạn bè ở những thành phố khác trên đất nước.

Gia đình Ryu chuyển đến hòn đảo hẻo lánh này từ năm ngoái. Để tới trường học cậu bé cần di chuyển bằng thuyền đến một hòn đảo khác khá xa và nguy hiểm, nhưng cậu bé vẫn không từ bỏ ước mơ được đến trường của mình.

Biết được khao khát và những nguy khó mà Ryu gặp phải, lãnh đạo giáo dục tỉnh Chungcheong Nam đã thực hiện một quyết định khiến tất cả mọi người phải ngỡ ngàng, mở riêng trường học cho cậu bé. Đại diện ngành giáo dục nước này cho rằng: “Sẽ không để học sinh nào lại phía sau và sẽ chuyển hơi thở cuộc sống vào các ngôi làng thông qua việc học hành”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Cheongpa, ông Lee Min-cheol, trao giấy nhập học cho cậu bé Ryu Chan-hee (bên phải) và cho một cô bé khác. (Ảnh: Korea Times)

Mẹ của Ryu, chị Won Jee-hee, 39 tuổi, đã từng rất lo lắng: “Tôi đã rất lo mỗi khi thấy có cơn gió nhẹ vì sợ sẽ ảnh hưởng đến chiếc thuyền đang chở con trai tôi. Giờ đây tôi rất vui mừng vì tôi không phải cho con đi học xa như vậy nữa”.

Ngày khai giảng, Ryu được bố mẹ và dân làng hộ tống đến ngôi trường mới tại đảo Nokdo cách cảng Daecheon, thành phố Boryeong 20 km. Trước toàn thể những người có mặt, thầy Hiệu trưởng Lee Min-Cheol đã đích thân trao giấy nhập học cho Ryu. Mọi người tổ chức buổi tiệc chúc mừng cậu bé và đón chào ngôi trường hoạt động trở lại kể từ khi đóng cửa năm 2006 do số học sinh giảm.

Ryu Chan-hee, 8 tuổi vui mừng chào đón năm học mới. (Ảnh: Korea Times)

Khích lệ ngoài sức tưởng tượng này đủ để chúng ta hiểu được mức độ coi trọng giáo dục của người Hàn Quốc. Trẻ em là vận mệnh của tương lai, là hy vọng của đất nước và là lời hứa hẹn của người lớn.

Ông Kim Ji-cheol thuộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng cho biết thêm: “Đó là điều không dễ dàng trong thời điểm mà chính phủ Hàn Quốc đang có động thái đóng cửa những ngôi trường mà số học sinh giảm sút”.

Tận tụy: Câu chuyện chuyến tàu 3 năm chỉ phục vụ một hành khách

Không chỉ ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là một quốc gia xem giáo dục học đường là ưu tiên hàng đầu trong những chiến lược phát triển quốc gia.

Chỉ có duy nhất một nữ sinh vẫn chờ tàu đi học mỗi ngày ở ga Kami-Shirataki. (Ảnh dẫn qua feely.jp)

Kami-Shirataki là tên của nhà ga tàu hỏa nằm ở một vùng quê hẻo lánh thuộc phía Bắc Hokkaido, Nhật Bản. Năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Nhật Bản (Japan Railway) đã quyết định tạm hoãn việc đóng cửa nhà ga Kami-Shirataki theo kế hoạch vì họ phát hiện rằng một nữ sinh vẫn đến nhà ga để bắt tàu đi học mỗi ngày. Trong suốt 3 năm, mỗi ngày chỉ có hai đoàn tàu dừng lại ở ga theo đúng giờ đi học và về nhà cô bé. Ngày 23/6/2016, sau những tháng ngày tận tụy phục vụ vị hành khách đặc biệt nay đã tốt nghiệp THPT, ga Kami-Shirataki ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Câu chuyện cảm động ga tàu duy trì hoạt động chỉ để chở duy nhất một nữ sinh đi học đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới và trở thành biểu tượng cho tinh thần khuyến học vốn đã rất nổi tiếng của nước Nhật.

Tận tâm: Câu chuyện người thầy trên bản Lũng Mần

Tại Việt Nam, cũng có một câu chuyện cổ tích đời thực đã khiến bao người phải rơi lệ. Thầy giáo Mông Văn Nguyễn ở bản Lũng Mần, Cao Bằng đã dành trọn 20 năm cuộc đời mình vì sự nghiệp giáo dục con trẻ, vì tâm huyết với đời, với nghề cho tới tận lúc ra đi. Thầy tự mình đẽo thang vượt núi, tìm đến bản người Mông, nơi đá cao chất ngất trên đỉnh trời, tự dựng trường và đi kêu gọi các em đến học.

Thầy Mông Văn Nguyễn – người thầy trên đỉnh lũng mần, cả đời vì người khác. (Ảnh dẫn qua Dantri)

Thầy Nguyễn ở lại bản, phá đá làm đường, xây hàng trăm bể chứa nước, hướng dẫn bà con cách trồng trọt mới. Một cuộc đời không còn màng đến lợi ích cá nhân, lấy khổ làm vui, quên việc hưởng lạc bên người thân và bè bạn, chấp nhận khó khăn vì một cộng đồng nghèo khó ở một nơi xa lạ.

Và rồi thật đáng tiếc cho cả cộng đồng bà con nơi đây cũng như những người đã từng biết đến vị thầy giáo đáng kính ấy, thầy đã ra đi vĩnh viễn sau khi tìm cách cứu một cặp vợ chồng đi rừng gặp lũ trên sông Nho Quế. Một người thầy mà sống vì người khác cho đến khi chết đi cũng vì người khác. Điều đó khiến tất cả những ai biết đến câu chuyện của thầy đều cảm phục.

Giáo dục là cái gốc của dân giàu nước mạnh, nhưng đó không phải là tờ tiền để mua giàu có. Mà đó là chiếc thang dẫn con người lên một tầm cao của trí tuệ, tri thức và thiện lương. Chỉ những ai hiểu rõ được những giá trị này mới dám hy sinh và đánh đổi vì nó, dám vì nó mà tận tụy – tận tình – tận tâm.

Gia Viên – Hồng Tâm