Tại sao nấu bếp gas nhưng nồi vẫn đen như đun bếp củi? Hoá ra là do một trong những nguyên nhân dưới đây gây ra. 

Những nguyên nhân thường gặp dưới đây được chia sẻ trên tờ Thời đại Plus, mong rằng nhiều gia đình có thể tìm ra lý do để nhanh chóng khắc phục.

Bình gas sắp hết: Nếu bếp gas đang dùng mà tự nhiên có tình trạng lửa bị đỏ, bạn hãy lắc nhẹ bình gas. Nếu thấy đúng là bình nhẹ, gas sắp hết thì bếp bị đỏ lửa là hiện tượng bình thường, chỉ cần thay bình gas mới là sẽ hết.

Nghẹt khe thoát lửa: Dầu mỡ, bụi bẩn bám vào làm nghẹt khe thoát lửa (lỗ phun gas) của đầu đốt. Bạn tháo đầu đốt ra, dùng kim nhọn và bàn chải để làm sạch khe thoát lửa.

Lưu ý: Vệ sinh đầu đốt xong, chờ các bộ phận khô hẳn rồi mới lắp đầu đốt vào đúng vị trí. Đánh lửa liên tục để xem đã khắc phục được tình trạng đỏ lửa chưa.

Không vệ sinh sạch nồi trước khi sử dụng: Đó chính là đáy nồi vẫn còn bám đồ ăn, hoặc dầu mỡ chưa được lau chùi sạch. Khi tiếp xúc với lửa sẽ gây ra tình trạng cháy và đen đít nồi.

Có dị vật trong ống điếu dẫn gas: Nếu đã thử hết các cách nhưng bếp gas vẫn bị đỏ lửa, có khả năng ống điếu dẫn gas có dị vật. Trường hợp này bạn nên gọi thợ sửa chữa đến kiểm tra, không nên tự ý sửa chữa vì khá phức tạp và ảnh hưởng đến an toàn sử dụng ga.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số cách khắc phục chảo, nồi khi nấu đồ ăn bị cháy dưới đây nhé.

Nếu nồi xảy ra tình trạng cháy nhẹ, bạn chỉ cần ngâm nước nóng tầm 20 phút rồi dùng nước rửa chén cọ nhẹ là được. Còn nếu nồi đã bị cháy lâu thì có thể áp dụng những mẹo dưới đây:

Sử dụng nước sốt cà chua: Khi nồi bị cặn cháy bám vào bạn có thể rải đều nước sốt cà chua lên bề mặt những nơi bị cháy, để yên trong vòng 30 phút thì dùng miếng rửa chén chà lên lớp bám bẩn. Sau đó, bạn rửa sạch lại như bình thường là được.

Sử dụng vỏ táo: Nếu nhà có sẵn táo, bạn có thể dùng ít vỏ táo cho vào nồi đun sôi liu riu trong 40 – 50 phút. Việc này giúp đánh bay vết cháy đen trong nồi dễ dàng hơn rất nhiều.

Sử dụng chanh: Chanh đem cắt thành các lát mỏng rồi xếp lên đáy nồi, đổ nước xâm xấp đem đun sôi. Khi nước sôi, bạn hạ nhỏ lửa, dùng thìa cạo vào các miếng cháy cho đến khi các vết đen bong ra, sau đó rửa sạch lại.

Bạn cũng có thể tắt bếp, để nồi qua đêm mới rửa, khả năng tẩy vết cháy, chất bẩn sẽ cao hơn.

Sử dụng muối hạt: Với một số loại nồi được làm từ thép không gỉ, bạn có thể đổ nước ngập phần bị cháy cùng hai thìa muối, khuấy đều đến khi muối tan hết. Cứ để yên trong vòng một giờ rồi tiến hành cọ lại bằng nước rửa bát.

Nếu những vết bám bẩn vẫn không bong ra hết, bạn có thể đặt nồi chứa nước muối lên bếp đun sôi, sau đó ngâm khoảng một giờ rồi cọ lại.

Sử dụng giấm: Cho giấm vào nồi bị cháy và đun sôi khoảng 30 phút. Khi thấy nước sôi, mở vung để hơi nước sẽ từ từ bay ra và bạn cũng dễ dàng nhìn thấy các vết cháy ở trong nồi cũng bị bong dần. Tắt bếp, rửa lại nồi với dầu rửa bát như bình thường là được.

Ảnh: Chụp màn hình YouTube Mẹo Vặt Cuộc Sống.

Video xem thêm: Chuyện chiếc bình nứt truyền cảm hứng cho hàng triệu người

videoinfo__video3.dkn.tv||f3534c38b__