Câu chuyện thành công của doanh nhân gốc Việt Trung Dung đã được đăng tải nhiều tờ báo tên tuổi của Mỹ, bao gồm cả Wall Steet Journal, Forbes, FT và thậm chí xuất hiện trong cuốn sách The American Dream của Dan Rather.

Đến Mỹ với… 2 USD!

Năm 1984, Trung Dung tới Mỹ với chỉ 2 USD và vốn tiếng Anh ít ỏi. Dù cuộc sống nghèo khổ và gặp nhiều khó khăn nơi xứ người nhưng chàng trai 17 tuổi chưa bao giờ từ bỏ ước mơ và nỗ lực học tập.

Những ngày đầu sang Mỹ, Trung Dung và người chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana, sau đó chuyển sang Boston. Một năm sau, ông may mắn vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học hai môn Toán, Tin tại Trường Đại học Massachusetts ở Boston.

Trung Dung tiếp tục vừa học vừa làm đủ mọi công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính và thậm chí lau dọn tại bệnh viện để nuôi sống bản thân và gia đình. Ngoài tấm bằng đại học từ trường Massachusetts, Trung Dung còn hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính từ đại học Boston và lấy được bằng MBA từ trường BKU.

Trước khi thành lập nên công ty của riêng mình, Trung Dung là kỹ sư tại Công ty phần mềm thương mại điện tử Open Market.

“Gỡ rối” thế giới web

Năm 1996, Trung Dung rời Open Market và thành lập công ty riêng. Thời điểm đó, ông đã chịu rất nhiều sức ép từ gia đình, bởi ông đang có một công việc rất tốt mà nhiều người ao ước.

Ảnh: cafebiz.

Trung Dung nảy ra ý tưởng về một phần mềm có thể cung cấp thông tin một cách thuận tiện hơn cho người dùng. Mục đích là để giúp các doanh nghiệp có thể so sánh thông tin như giá vé máy bay hay tình trạng của những dịch vụ cung ứng khác. Sau đó, ông gặp Mark Pine – người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dữ liệu và cùng thành lập nên OnDisplay có trụ sở tại California. Pine chịu trách nhiệm là CEO còn Trung Dung là Giám đốc công nghệ.

Thương vụ khiến người Mỹ “e dè”

OnDisplay là công ty chuyên về phát triển phần mềm giúp các đơn vị điều hành web có thể thu thập, tìm kiếm thông tin từ những website khác và trình bày chúng theo một cách thuận tiện nhất. Nó tập trung vào việc tìm ra những giải pháp tốt hơn để giúp các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin và chủ yếu nhắm tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.

Điều đáng nói là thời điểm đó, rất nhiều công ty công nghệ Mỹ như America Online và Amazon.com đều tập trung giải quyết vấn đề của những khách hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên Pine và Trung Dung lại nhắm tới những khách hàng là doanh nghiệp.

Phần mềm CenterStage của OnDisplay có mức giá khởi điểm là 50.000 USD.

OnDisplay có khoảng 100 nhân viên và 120 khách hàng bao gồm cả những tên tuổi lớn như Travelocity của Sabre – đơn vị sử dụng phần mềm của OnDisplay để lấy thông tin từ những website khách sạn và hàng không khác và cung cấp giá cả cho khách hàng.

Năm 1998, doanh thu của công ty đã vượt quá con số 10 triệu USD và nhận khoản đầu tư lên tới 35 triệu USD. Một năm sau đó , OnDisplay trở thành một trong 10 công ty IPO thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tiếp tục tới năm 2000, Trung Dung đã khiến cho người Mỹ nể phục khi chuyển nhượng công ty OnDisplay cho hãng Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.

Trung Dung và cộng sự (ảnh: SFgate).

Sau thành công với OnDisplay, Trung Dung tiếp tục thực hiện một số dự án kinh doanh và đạt được không ít thành công. Tháng 5/2014, Trung Dung cùng với Nilesh Jain thành lập nên Bluekey Services.

Hiện tại, Trung Dung đang là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Mobivi – công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Trung Dung từng chia sẻ rằng: “Khi còn nhỏ, tôi không nhìn thấy bất cứ cơ hội nào, cuộc sống của tôi dường như không hề có tương lai”. Tuy nhiên 15 năm sau khi tới Mỹ, ông đã tạo ra một “kỳ tích” khiến hàng ngàn người ngưỡng mộ. “Giấc mơ Mỹ” chưa bao giờ là dễ dàng nhưng nếu biết nỗ lực và kiên trì, ai cũng có thể tìm thấy con đường thành công cho chính mình.

Video xem thêm: 6 hoàn cảnh lâm vào rồi mới hiểu đời người không nên ‘chấp mê bất ngộ’

videoinfo__video3.dkn.tv||413d3383f__