Kể từ khi bố mất, mẹ bỏ đi, 3 đứa trẻ bỗng trở thành lao động chính trong nhà. Ngoài giờ đi học, các em làm thêm công việc lọc ve chai kiếm tiền mua đồ ăn và nuôi dưỡng bà ngoại. 

Trong ngôi nhà nhỏ, bề bộn phế liệu ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thanh (66 tuổi) sống cùng 2 cháu gái Trần Thị Vân Anh (14 tuổi), Trần Thị Yến Nhi (12 tuổi) và cháu Trần Văn Minh (9 tuổi). 

Căn nhà nơi bà Nguyễn Thị Thanh sống cùng các cháu.

Câu chuyện của 3 đứa trẻ thiếu vắng bóng cha mẹ trong nhà rất đáng thương. Năm 2015, mẹ âm thầm bỏ 4 bố con mà đi. Tới năm 2017, sóng gió lại ập đến khi bố lũ trẻ qua đời vì bệnh gan. Cùng thời điểm 2 năm trước, bà Thanh bị tai nạn xe máy, mất sức lao động nên chân tay đau nhức, chỉ có thể loanh quanh bên chiếc giường nhỏ. Ba em nương tựa vào nhau, dựa vào công việc lọc ve chai để nuôi bà. 

Ngôi nhà vắng bóng bàn tay của cha mẹ

Tài sản của bố để lại chẳng có là bao, chỉ là chút đồ đạc cũ trong nhà cùng chiếc xe đạp rỉ sét. Có hôm Vân Anh phải đi bộ 3km đến trường vì nhường xe cho các em. Cô bé luôn dặn các em phải đi sát vào lề và không được la cà khi chưa xin phép.

Ba chị em chia nhau chiếc xe đạp cũ.

Là chị cả trong gia đình, sớm phải chịu nỗi đau thiếu mẹ, mất cha, Vân Anh buộc mình phải trưởng thành, nghiêm khắc hơn để thay cha mẹ dạy các em. 

Tâm sự với PV Vnexpress, Vân Anh nói: “Đói ăn không bằng thiếu bố mẹ. Không có bố mẹ, đôi khi nói các em không nghe lời”. 

Sáng sáng, ba chị em rất tự giác dậy đi học, không để bà phải gọi. Nhưng có lần bị chị dựng dậy, cậu út Minh còn ngái ngủ: “Em muốn ngủ tiếp, tha cho em đi”. Thấy Minh chống đối, Vân Anh tạt nước, cu cậu đành bật dậy đi thẳng ra lu nước trước nhà, đánh răng rửa mặt, không nói thêm lời nào. 

Năm 2018, Minh học lớp 3, hôm họp phụ huynh không ai đến dự cho cậu. Hôm sau, có bạn thắc mắc, Minh đã lao vào xô bạn. Về nhà, Vân Anh bảo em quỳ xuống trước bàn thờ, cầm roi nhưng không đánh, nhắc đi nhắc lại lời của bố phải “Luôn biết nhẫn nhịn”. Từ lần đó, thấy ai nói gì về bố mẹ, Minh lẩm nhẩm câu của bố trong đầu, nắm chặt tay lại rồi lờ đi, mắt hoe đỏ.

Vân Anh nghiêm khắc là vậy nhưng cũng thương em lắm! Cô bé dạy các em giặt đồ, nhưng bàn tay nhỏ, lũ trẻ giặt mãi vẫn không sạch nên sinh ra bực mình. Vân Anh thấy vậy về khuya lại âm thầm giặt lại cho cả nhà. Có lần Minh và Nhi thấy, vội chạy ra bảo chị: “Chị ơi cho em xin lỗi, sau này em không nghịch bẩn nữa”.

Lớn lên trong cảnh thiếu thốn, cậu bé Minh cũng chững chạc hơn so với tuổi.

Không chỉ Vân Anh mà Minh cũng là cậu bé rất chững chạc so với tuổi. Từ lúc mẹ bỏ đi năm 2015, Minh đã quen với việc bếp núc và trở thành “bếp trưởng” của cả gia đình. Bữa cơm của ba bà cháu thường chỉ toàn rau, có hôm là rau luộc chấm sốt cà chua, có hôm là rau xào chấm xì dầu, ngon hơn là rau nấu canh thịt. Có lúc bữa ăn chỉ có vỏn vẹn 10 nghìn đồng, có canh rau muống nấu với một quả trứng. 

Cuộc sống của những đứa trẻ sớm phải trưởng thành 

Thôn Xà Cầu có nghề sơ chế phế liệu, hàng xóm thương cảnh 4 bà cháu sống leo lắt qua ngày nên thường đem vỏ chai qua cho chị em Minh làm kiếm thêm thu nhập. Lũ trẻ dùng dao nhọn tách nhãn vỏ vứt bỏ, rồi xếp vỏ chai thành từng bao để tái chế. Mỗi ngày, phân loại 3.000 chai nhựa, 3 chị em kiếm được khoảng 50 nghìn đồng. Một nửa để mua đồ ăn, một nửa bỏ vào heo đất. 

Chia sẻ với PV Vnexpress, ông Nguyễn Xuân Toản, trưởng thôn Xà Cầu, cho biết gia đình bà Thanh có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn. Mọi sinh hoạt trông vào trợ cấp hộ nghèo 700.000 đồng mỗi tháng và tiền làm ve chai của lũ trẻ. 

Lũ trẻ cặm cụi lọc ve chai.

Không chỉ “tạo công ăn việc làm”, hàng xóm thương 3 chị em nên cứ vài hôm lại qua cho gạo, cho đồ ăn. Có hôm, anh Nguyễn Đình Chiến (41 tuổi, hàng xóm) đi thể dục tối, 10 giờ đêm vẫn thấy 3 chị em ngồi bóc vỏ chai. “Tôi thắc mắc hỏi, chúng nói dối ăn rồi, nhưng tôi biết ba đứa nhịn đói vì kể với nhau hết tiền mua gạo”, anh nói.

Nhưng dù có khó khăn thế nào, ba chị em đều bao bọc lẫn nhau và không bao giờ có ý định muốn nghỉ học. Lũ trẻ nói chiếc bàn bố đóng 7 năm trước là động lực giúp chúng nỗ lực học tập. Nói về ước mơ của mình, Minh hồn nhiên cho biết: “Cháu muốn làm đầu bếp để gặp lại mẹ và nấu cho bà và chị ăn”. 

Trong căn nhà đầy vỏ chai phế thải, sau những giờ làm lụng vất vả, tiếng cười giòn tan của Minh và các chị vẫn vang lên. Cả nhà quây quần bên nhau, hai chị bóp vai cho bà, còn Minh ngồi xổm dưới đất, vừa vỗ tay vừa hát bài “Cháu yêu bà” trong một buổi xế chiều. 

Nguồn tham khảo & ảnh: Vnexpress

Video xem thêm: Pháp Luân Công đem lại lợi ích tốt đẹp cho mọi người

videoinfo__video3.dkn.tv||362ab7f4e__