Ở một nơi mà niềm đam mê bóng đá có thể đổi giá bằng máu và mạng sống, thì những điều các cầu thủ Yenmen làm được trên hành trình đến và chơi tại giải đấu lớn nhất châu lục thật đáng khâm phục.

Bóng dưới chân, tên lửa trên đầu

Kể về hiện trạng của bóng đá Yemen, VnExpress dẫn một video trong tháng 8/2018. Có ba khán giả và một bình luận viên ngồi trên ghế nhựa ngoài đường biên. Ngay trên đầu họ, những chiếc tên lửa bay vụt qua, lóe sáng. Nhưng, không ai bận tâm đến chúng. Đó là cảnh tượng thường thấy ở Yemen bốn năm qua, kể từ khi nội chiến bùng phát.

videoinfo__video3.dkn.tv||0c84ecae3__

Từ năm 2011, Yemen dần rơi vào khủng hoảng như xung đột sắc tộc, ly khai, tham nhũng, thất nghiệp, dịch bệnh và đói kém. Vốn là quốc gia nghèo nhất khối Ả-rập trước khủng hoảng, Yemen ngày càng kiệt quệ. Họ hiện là 1 trong 10 quốc gia nghèo đói và kém phát triển nhất thế giới.

Kể từ đó, giải bóng đá quốc gia bị gián đoạn. FIFA nhận thấy tình hình bất ổn ở Yemen, ra lệnh cấm thực hiện các hoạt động bóng đá tại đây vì lý do an toàn. Hàng chục sân vận động bị trưng dụng làm căn cứ quân sự, còn trường học biến thành nơi trú ngụ của người vô gia cư.

Các cầu thủ Yemen. (Ảnh: Lao Động)

Cầu thủ yếu thể lực bởi đói nghèo

Theo DW News, các cầu thủ Yemen không có thể lực và vóc dáng tốt vì không có cơ hội luyện tập cũng như thi đấu chính thức. Trong tình cảnh bom đạn tàn phá vô số sân vận động và trung tâm thể thao, họ chỉ tập bóng 3-4 lần mỗi tháng thông qua những trận giao hữu diễn ra trên một mảnh đất trống.

Ngay cả khi tìm được phòng gym, các cầu thủ Yemen cũng chưa chắc có đủ tiền đi tập. “Tôi không được cấp lương mà chỉ nhận một khoản tiền đi lại tượng trưng”, cầu thủ có tên Al Omeisi giãi bày. “Nếu muốn đến phòng gym, tôi phải tự bỏ tiền túi nên không thể đi tập đều đặn”.

Nội chiến và nghèo đói khiến Yemen tan hoang. (Ảnh: Lao Động)

Kém may mắn hơn Al Omeisi, nhiều cầu thủ Yemen phải kiếm nghề tay trái để kiếm sống, khiến việc tập luyện càng thêm khó khăn. Một đồng đội của Al Omeisi tại câu lạc bộ Al Ahli Sanaa phải lái xe buýt 10 tiếng mỗi ngày với mức lương 6 USD, nên không thể nghĩ đến chuyện tập gym.

HLV trưởng không được đặt chân đến quốc gia

Khó có thể tin việc một HLV đội tuyển quốc gia lại không thể đặt chân lên chính đất nước ông làm việc. Nhưng, điều đó là sự thật đối với ông Kocia.

Ông Kocia – HLV trưởng đội tuyển Yemen. (Ảnh: VnExpress)

Theo BBC, làm HLV của Yemen là công việc khó bậc nhất hành tinh. Nhưng với Kocian, đó chỉ là nhiệm vụ bình thường. Nhà cầm quân 60 tuổi cao, khỏe và tràn đầy nhựa sống. Ông từng chơi 26 trận cho tuyển Tiệp Khắc, trước khi đất nước này chia làm hai. Kocian hiểu được bất ổn trong nước ảnh hưởng như nào đến tuyển quốc gia.

“Tình hình chính trị ở một quốc gia sẽ khiến việc dẫn dắt đội tuyển gặp nhiều khó khăn. Trong hợp đồng, tôi không được phép đặt chân đến Yemen. Nhưng tôi vinh dự được dẫn dắt đội bóng này”, Kocian – người chỉ bắt đầu gặp gỡ cầu thủ Yemen tại Malaysia tháng 11/2018 – nói.

Chuẩn bị cho Asian theo cách không tưởng

Trước vòng loại Asian Cup 2019, HLV trưởng Yemen phải triệu tập 40 cầu thủ khắp đất nước, chia họ thành 3-4 đội nhỏ đấu với nhau rồi chọn ra đội mạnh nhất.

Theo VnExpress, các tuyển thủ phần lớn thi đấu trong nước, nhưng chỉ là những trận phong trào. Có chín cầu thủ khác đang thi đấu ở giải Qatar – nơi cho phép các cầu thủ Yemen đăng ký dưới dạng nội binh. Asian Cup được xem là nơi để cầu thủ Yemen quảng bá bản thân, để được chơi bóng ở nước ngoài.

Qatar giúp nhiều cho bóng đá Yemen, gần nhất là việc họ lên kế hoạch để thầy trò Kocian đến tập huấn. Nhưng do căng thẳng bùng phát bất ngờ giữa Qatar và khối vùng Vịnh, họ sắp xếp cho tuyển Yemen sang Malaysia. Yemen còn thử chân ở Ả-rập Xê-út, trước khi đến UAE với tư cách đội có thứ bậc thấp nhất tại vòng chung kết Asian Cup 2019 (135 FIFA).

Làm được điều khiến quốc dân tự hào

Việc được dự VCK Asian Cúp 2019 là kỳ tích với nền bóng đá và cả quốc gia Yemen. Nhờ chiến thắng 2-1 trước Nepal ngày 27/3/2018, trận cuối vòng loại, Yemen lần đầu tiên góp mặt ở đấu trường châu lục. Trước đó, họ chưa từng thắng trận nào ở Cup Vùng Vịnh, kể từ khi giải đấu ra đời năm 1970. Việc vượt qua vòng loại Asian Cup thực sự là “phép màu”.

Al Matari ghi cú đúp giúp Yemen hạ Nepal 2-1 ở trận cuối vòng loại Asian Cup. (Ảnh: VnExpress)

Một cổ động viên nói trên tờ Al Arabiya. “Người Yemen tự hào về các tuyển thủ và luôn ủng hộ họ. Hy vọng đội tuyển sẽ tiếp tục làm rạng danh Yemen, mang lại cho chúng tôi hạnh phúc nhỏ nhoi”.

Trong số 24 đội tuyển đến UAE, không có đội bóng nào có hành trình cực nhọc như Yemen. Ở vòng loại, những trận sân nhà của Yemen buộc phải tổ chức tại Doha (Qatar). Họ không thể đi bằng máy bay, mà bằng xe buýt qua chặng đường 2.000 km, mất 16 tiếng di chuyển. Đó là chưa nói đến những trận họ phải làm khách.

Với những gì HLV và các cầu thủ Yemen làm được, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và khâm phục từ phía những người hâm mộ cùng các đối thủ. Dù kết quả ra sao, đây cũng là đối thủ rất xứng đáng với thầy trò HLV Park Hang-seo trong trận cầu đinh diễn ra 23h đêm nay (giờ Hà Nội).

Vân Trường (tổng hợp)