Sau chiến thắng của Việt Nam tại trận bán kết U23 châu Á, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường, nhiều người phấn khích rồ ga, đua xe. Nhiều đự đoán nếu Việt Nam giành cúp vô địch ngày mai (27/1) thì sự phấn khích tột độ của các cổ động viên có thể dẫn đến quá khích mà tổ chức đua xe tự phát. Tuy nhiên, hành vi này có thể bị xử phạt nặng, thậm chí là án tù cao.

Tối 23/1, sau khi U23 Việt Nam chiến thắng U23 Qatar, giành vé vào trận chung kết , hàng triệu người dân thủ đô tràn xuống đường khiến khắp các tuyến phố ở nhiều tỉnh thành tê liệt tới rạng sáng.

Theo Điều 265 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), những người tổ chức đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm.

Theo đó, tổ chức đua xe trái phép được hiểu là hành vi cầm đầu, chỉ huy, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc đua ôtô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép.

Hành vi tổ chức đua xe trái phép này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.

Chủ thể của tội này là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật.

Lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý. Bởi lẽ, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, việc đua xe có xảy ra hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản gây mất trật tự công cộng và những thiệt hại khác cho xã hội. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Đặc biệt, nếu hậu quả xảy ra thì tùy trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật. Pháp luật quy định chế tài gồm 04 khung hình phạt chính và 01 chế tài bổ sung. Cụ thể:

  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp hành vi phạm tội không có tình tiết tăng nặng.
  • Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm trường hợp hành vi phạm tội có một trong số những tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2.
  • Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm trong trường hợp hành vi phạm tội có một trong số những tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 3.
  • Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp hành vi phạm tội có một trong số những tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 4.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Khôi Minh (TH)