Mục lục bài viết
Đề xuất vừa bỏ tù, vừa phạt tiền tài xế tái vi phạm nồng độ cồn
Zing – Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có khoảng 40% số vụ TNGT, 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Dù Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện vẫn tiếp diễn gây nhiều tai nạn thương tâm.
Chia sẻ với báo Zing về vấn đề trên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, nhận định, quy định tăng mức xử phạt và “đánh” mạnh vào tái phạm vi phạm nồng độ cồn là cần thiết, nhằm răn đe, làm giảm tình trạng lái xe sử dụng nồng độ cồn không đủ nhận thức để làm chủ phương tiện.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung các quy định góp phần làm giảm việc cung cấp các đồ uống có cồn như: Tăng thuế sản phẩm, tăng thuế đối với các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quy định ngày, giờ sử dụng…
Thậm chí, còn phải sửa đổi luật hình sự để phạt tù những trường hợp lái vi phạm nồng độ cồn.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức thông tin, các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm.
“Tôi nghĩ, Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi. Cần xác định rõ lộ trình và từng bước thực hiện để đạt được hiệu quả”, ông Tuấn nói.
4 người ở phòng trọ tử vong
VnExpress – Phá cửa phòng trọ rộng 16m2 ở TP. Thủ Đức, người dân thấy 4 người cùng gia đình nằm gục trong nhà, đưa đi cấp cứu, song tất cả không qua khỏi, sáng 18/5.
Khoảng 6h, nhiều người dân sống dãy trọ tại đường số 6, phường Hiệp Bình Phước, thấy cửa phòng gia đình ông Lương Văn Kiệt, 45 tuổi, đóng kín, gọi nhiều lần không ai trả lời. Nghi có bất thường, họ phá cửa phát hiện ông Kiệt và vợ (44 tuổi) nằm gục ở nền nhà, hai người con gái và trai (23-16 tuổi) bất tỉnh trên gác lửng.
Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng vợ chồng ông Kiên và con trai tử vong sau đó. Người con gái chiều nay (18/5) cũng không qua khỏi.
Sống cùng dãy trọ, một hàng xóm cho biết vợ chồng ông Kiệt thường hấp cá vào buổi tối để sáng hôm sau đưa đi bán tại chợ Tân Định, quận 1. Đêm hôm qua, cả gia đình này ngủ từ khoảng 22h. “Gia đình này sống rất hoà thuận”, ông Cương nói.
Gia đình hay hấp cá bằng lò than tổ ong đặt trước cửa phòng, ở lối đi chung rộng chừng một mét. Theo cảnh sát, nguyên nhân có thể do ngạt khí.
Nghệ An: Giáo viên vay tiền, hàng loạt hiệu trưởng bị ‘khủng bố’ để đòi nợ
Thanhnien – Ngày 18/6, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết Sở vừa gửi văn bản cho Công an tỉnh Nghệ An đề nghị điều tra, làm rõ việc nhiều cuộc gọi điện thoại đến quấy rầy, “khủng bố” các hiệu trưởng, giáo viên, thậm chí cả lãnh đạo sở GD-ĐT để đòi nợ, dù những người này không hề vay tiền từ một công ty tài chính.
Ông Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng THPT Yên Thành 2 (H.Yên Thành), cho biết những ngày gần đây, ông và nhiều giáo viên trong trường liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ nhiều số điện thoại khác nhau với lời lẽ tục tĩu, đe dọa để thông qua họ, yêu cầu một giáo viên của trường là ông L.X.L trả nợ tiền vay.
Theo ông Giáp, ông L. có vay nợ bằng hình thức tín chấp của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng, đã đến kỳ thanh toán nhưng chưa trả được. Từ đó, những người tự xưng là nhân viên của công ty này đã gọi điện đến cho ông Giáp, yêu cầu ông phải ép ông L. trả tiền vay.
Sau đó, nhóm người này gọi vào số máy của nhiều giáo viên trong trường, thậm chí cả những học trò cũ của ông Giáp, vu khống ông Giáp vay tiền nhưng không chịu trả nợ.
Tương tự, ban giám hiệu và nhiều giáo viên của Trường Trung học cơ sở Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành), nơi vợ ông L. đang công tác, cũng bị “khủng bố” bằng điện thoại để thông qua những người này, đưa ra yêu cầu ông L. trả tiền.
Giáo viên L.X.L cho hay, năm 2018, ông có vay tín chấp của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng 32 triệu đồng. Ông L. đã trả được khoảng 22 triệu đồng. Sau đó, do kinh tế khó khăn nên khoản nợ còn lại bị quá hạn. Đến nay, khoản nợ từ 32 triệu đã lên tới 50 triệu đồng.
Gần đây, một số lãnh đạo phòng giáo dục ở Nghệ An cũng bị các số điện thoại lạ gọi đến “khủng bố”, tương tự như các trường hợp nêu trên.
Xăng tăng kỷ lục, người dân TP.HCM chuyển hướng đi xe buýt
Thanh Niên – Giá xăng tăng chạm mốc kỉ lục gần 30.000 đồng/lít đã gây không ít khó khăn cho một bộ phận không nhỏ người dân trong việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Xe buýt đang trở thành 1 trong những phương tiện đi lại được nhiều người dân lựa chọn nhờ tính tiết kiệm. Các tuyến xe buýt có trợ giá, giá vé chỉ từ 5.000 đồng/lượt đến 7.000 đồng/lượt, riêng học sinh – sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.
Đón tuyến xe buýt số 27 từ trạm tại Ngã tư Âu Cơ – Lạc Long Quân (Q.Tân Bình), chị Thùy Trang (ngụ Q.11) cho biết cuối tuần nào, chị cũng đi từ nhà đến đến Bệnh viện mắt TP.HCM (đường Điện Biên Phủ, Q.3) để đón xe buýt về ngã ba Tân Vạn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thăm người quen. Trước đây, chị thường đặt xe ôm công nghệ, chi phí khoảng hơn 30.000 đồng.
Tuy nhiên, khoảng gần 2 tháng trở lại đây, việc đón xe ôm công nghệ không còn dễ dàng như trước. Nhiều thời điểm chập tối, chờ mòn mỏi không bắt được xe. Giá cước cho quãng đường này cũng tăng lên tới hơn 40.000 đồng với lý do giá xăng tăng, tài xế nghỉ nhiều nên hiếm xe, giá cao.
“Có hôm chờ mãi không có tài xế, tôi quyết định thử đi xe buýt. Hơn 19 giờ tối nhưng xe vẫn chạy. Trạm xe buýt chỉ cách nhà khoảng 100m đi bộ, xuống đúng tới trạm để đón xe đi tiếp Vũng Tàu. Thời gian di chuyển lâu hơn tầm 10 – 15 phút nhưng giá rẻ hơn gần 7 lần – chỉ 6.000 đồng/lượt. Tuyến này cũng không quá đông nên gần như lên là có ghế ngồi, không phải đứng chen lấn. Từ đó tới nay, tôi chuyển hẳn qua đi buýt” – chị Trang kể.
Tương tự, anh Quang Tuấn (ngụ Q.3) hào hứng khoe với đồng nghiệp trải nghiệm 1 ngày sử dụng xe buýt để đi làm. Đi từ nhà tới trạm xe buýt trước Sở Y tế cách đó khoảng 400m, anh Tuấn đón tuyến buýt số 14 tới Thảo Cầm Viên, sau đó đi bộ tới cơ quan trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1).
Tổng thời gian cả đi bộ và xe buýt mất gần 30 phút, 6.000 đồng tiền vé, anh Tuấn bảo “vẫn hời chán” so với đi xe máy dù có thể nhanh hơn 5 – 10 phút. “Đổ đầy bình xăng giờ mất hơn 150.000 đồng, đi được hơn 1 tuần là hết, nếu thay bằng đi xe buýt thì chẳng mấy mà xây được nhà lầu ở thành phố. Tất nhiên bình thường công việc phải chạy lại nhiều nơi nên tôi vẫn đi xe máy cho tiện, nhưng, từ nay cứ ngày nào bớt việc hoặc có nhiều thời gian hơn, sẽ tranh thủ “đổi gió” đi xe buýt để vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường” – anh Tuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm: