Đấu giá lần đầu không người mua, sau lần hai chào bán, tàu Vinalines Sky chỉ được trả giá cao nhất là 89,595 tỷ đồng, thấp hơn giá khởi điểm 93,48 tỷ nhưng Vinalines mạnh tay xin đề nghị được bán để cắt lỗ do tàu không có người thuê, chi phí neo đậu, tiền công thuê nhân viên…

Vì vậy, Vinalines đề nghị được bán tàu với giá khởi điểm 89,595 tỷ đồng để không lỗ thêm.

Báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thông tin rằng tàu chở hàng rời Vinalines Sky, có trọng tải 42.717 DWT, được đóng vào tháng 10/1997 tại Nhật Bản.

Tàu được Vinalines mua năm 2007 với mức giá 661 tỷ đồng giai đoạn thị trường vận tải biển phát triển mạnh (khi mua tàu cũ đã vận hành 10 năm), đến nay tàu nằm trong danh mục thanh lý trong chiến lược tái cơ cấu lại đội tàu của công ty này.

Vinalines đã thuê công ty bán đấu giá tài sản tổ chức đấu giá và bán chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, khi chào bán đấu giá tàu Vinalines Sky với mức giá khởi điểm 93,48 tỷ đồng thì không có khách hàng quan tâm, vì thế không thành công.

Tàu Vinalines Sky sau đó được chuyển hình thức bán tàu sang chào hàng cạnh tranh và nhận được 8 thư chào giá trong đó giá cao nhất do Công ty cổ phần Vật tư hàng hải H.P.C đưa ra là 89,595 tỷ đồng.

Qua đàm phán, bên mua thông báo đây là mức giá tốt nhất mà họ đã trả, không thể tăng thêm.

Theo đánh giá của Vinalines, việc bán tàu Vinalines Sky thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, đảm bảo công khai minh bạch và cháo bán thực hiện rộng rãi.

Trải qua các lần bán, mức giá mà Công ty H.P.C đã trả là mức cao nhất từ trước đến nay, gần đạt được mức kỳ vọng của Vinalines.

Tàu Vinalines Sky đã “già” nên không phát huy được giá trị sử dụng. (Ảnh: VOV)

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền tổng giám đốc Vinalines, cho biết việc tàu lúc mua nguyên giá 661 tỷ đồng và bây giờ bán gần 90 tỷ đồng là bình thường vì thời điểm mua tàu còn mới, giá bán trên thị trường đang cao khi ngành vận tải biển phát triển mạnh, theo Tuổi Trẻ.

Đến thời điểm hiện tại, theo ông Tĩnh, cũng loại tàu nói trên nếu đóng mới giá cũng chỉ bằng một phần ba so với giá thời điểm năm 2007 khi Vinalines mua con tàu trên.

Bên cạnh đó tàu Vinalines Sky đã qua quá trình khai thác, tuổi cao, vì thế giá càng xuống.

“Vấn đề là bán có minh bạch công khai hay không? Tàu Vinalines Sky đã được bán 4 lần với các hình thức đấu giá công khai, chào hàng cạnh trạnh quốc tế nhưng không ai mua với giá Vinalines kỳ vọng. Việc bán tàu thấp hơn giá trị trên sổ sách là bình thường của doanh nghiệp khi mạnh tay cắt lỗ”, ông Tĩnh lý giải.

Lãnh đạo Vinalines cho biết chỉ riêng chi phí duy trì thuyền viên vận hành tàu mỗi ngày vẫn tốn khoảng 2.000 USD dù đã tiết giảm tối đa, và chưa tính phí quản lý.

Chính vì thế, việc bán tàu càng chậm thì thiệt hại ngày càng lớn cho Vinalines do tàu ngày càng xuống cấp, trong khi đó trên thị trường thế giới giá bán tàu đang có chiều hướng đi xuống.

Chính vì thế, theo lãnh đạo công ty này, nếu tiếp tục chào bán tàu Vinalines Sky thêm một vòng nữa thì chẳng những sẽ không đạt được mức giá mà Công ty H.P.C đã chào mà còn giảm hơn.

Mặt khác nếu tiếp tục bán vòng 3 phải làm lại quy trình bán tàu như 2 lần trước, thời gian tối thiểu mất 1,5 tháng, phát sinh chi phí neo chờ bán rất lớn, tối thiểu khoảng 100.000 USD.

Chính vì thế, Vinalines đã xin được phê duyệt điều chỉnh giá khởi điểm tàu Vinalines Sky từ mức 93,48 tỷ đồng xuống 89,595 tỷ đồng làm cơ sở đàm phán bán tàu sớm.

Trước đó năm 2016, Vinalines cũng xin bán gấp 6 con tàu gồm Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean, Vinalines Ruby với trọng tải khoảng 125.000 DWT khiến quy mô đội tàu giảm chỉ còn 92 chiếc với tổng trọng tài 1,8 triệu DWT.

Thiên An