Các doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu không đủ chi phí mua nhiên liệu, chậm trả tiền lãi vay mua xe cho ngân hàng, thậm chí phải đi vay thêm tiền để trả lương nhân viên… nên nếu tiếp diễn tất các tuyến xe buýt ở TP. HCM sẽ buộc phải ngừng hoạt động trong tháng tới.
Mười đơn vị vận tải xe buýt ở TP.HCM (quản lý hầu hết xe buýt trên địa bàn TP) đang cùng nhau kiến nghị UBND.TP và các sở ngành thanh toán các khoản công nợ do trợ giá xe buýt.
Khoán sản lượng hành khách quá cao, không sát thực tế dẫn đến nợ chồng nợ
Các đơn vị xe buýt cho biết Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã khoán sản lượng hành khách quá cao, không sát thực tế, khoán tăng thêm doanh thu bán vé để bù đắp phần thiếu hụt kinh phí trợ giá xe buýt; chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng qua các năm, theo báo Tuổi Trẻ.
Hệ quả là các doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng.
Cụ thể, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền nhiên liệu rất lớn như: Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn thiếu nợ 80 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vận tải TP thiếu nợ 7 tỉ đồng. Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng thiếu nợ 5,2 tỉ đồng. Hợp tác xã 28 thiếu nợ 1,1 tỉ đồng…
Từ đó, một số tuyến xe buýt xảy ra đình công như tuyến xe buýt số 19, 99. Đồng thời, một số doanh nghiệp, hợp tác xã buộc tạm dừng hoạt động một số tuyến xe buýt.

Ông Nguyễn Văn Lèo, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải TP, cho biết ngoài các khoản nợ trên, doanh nghiệp còn đang nợ hơn 49 tỉ đồng Ngân hàng Agribank Chi nhánh 5 TP.HCM về tiền mua xe buýt mới thay xe buýt cũ. Do tình hình hoạt động xe buýt gặp nhiều khó khăn nên đơn vị phải đi vay tiền để trả lương nhân viên.
Phương tiện công cộng chưa phát huy được vai trò và thế mạnh
Phương tiện công cộng mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội như giảm ùn tắc giao thông, chi phí rẻ, bảo vệ môi trường… nên được nhiều quốc gia chú trọng.
Tuy nhiên với tình hình khó khăn về tài chính hiện nay, các doanh nghiệp xe buýt cho biết đang cố gắng duy trì hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt đến ngày 30/7/2020. Trường hợp chưa đươc giải quyết khó khăn, các đơn vị xe buýt đề nghị tạm dừng hoạt động xe buýt từ 15/8/2020.
Báo Đất Việt cho biết, trước đó không ít giải pháp để phát triển hệ thống xe buýt tại TP HCM đã được các chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị nhiều năm nay, cơ quan quản lý cũng ‘hứa hẹn’ nhưng đến nay đâu vẫn hoàn đó.
Từ năm 2018 đến nay, ít nhất 10 tuyến xe buýt có trợ giá tại TP HCM tạm ngưng, trong đó không ít tuyến đông khách, có nhu cầu rất lớn từ đối tượng sử dụng chính là học sinh, sinh viên, công nhân, người nghèo…
Đơn cử như tuyến số 2, đảm nhận lộ trình từ Bến Thành tới Bến xe Miền Tây, theo thông báo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, sẽ ngưng hoạt động từ đầu tháng 7. Hồi đầu năm 2020, tuyến xe số 54 cũng ngưng hoạt động dù đây là tuyến đông khách, phục vụ nhu cầu rất lớn của người dân khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bình Dân, Gia Định, Ung Bướu…
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, vận tải hành khách công cộng tại TP, mà hiện chủ lực là xe buýt, chỉ mới đáp ứng khoảng 9,7% nhu cầu đi lại. Trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2020, khối lượng VTHKCC phải đáp ứng từ 15%-20%. Như vậy, mục tiêu trên xem như đã thất bại!
Tính từ năm 2018 đến tháng 1/2020, tại TP. HCM đã có tới 7/105 tuyến xe buýt có trợ giá tạm ngưng hoạt động. Nguyên nhân do tình hình sản lượng đi xe buýt tụt dốc, doanh nghiệp thu không đủ bù chi.
Tính từ năm 2012, sản lượng khách đạt trung bình 305 triệu lượt/năm, nhưng đến năm nay chỉ còn 159 triệu lượt. Tức sau 8 năm, sản lượng khách đi xe buýt đã giảm một nửa.