Trong cuốn tự truyện của Nelson Mandela có 3 câu chuyện như sau:
Câu chuyện thứ nhất: Vào năm thứ 12 khi ông Mandela bị giam trong nhà ngục, một lần viên quản ngục không biết đã nói gì xúc phạm đến ông Mandela, thế là đang ngồi trên ghế ông Mandela đứng bật dậy, đi vòng qua cái bàn, thái độ như muốn nhảy bổ về phía viên quản ngục. Khi đó viên quản ngục bị một phen khiếp vía. Sau này tuy ông Mandela đã biết nhẫn nhịn hơn không động tay động chân, nhưng ông vẫn thường xuyên dùng lời nói giáo huấn người quản ngục. Nếu đổi ngược lại là ở trong nhà ngục của Trung Quốc thì ông Mandela có dám đối xử như thế với quản ngục không?
Về chuyện này có thể nhắc lại vụ án oan Huugjilt nổi tiếng ở Nội Mông Cổ vừa qua. Ở đây Huugjilt rõ ràng không giết người. Dù biết thú nhận giết người sẽ bị tử hình, nhưng Huugjilt thà bị tử hình còn hơn phải chịu bị giám ngục hành hạ. Có thể thấy người dân Trung Quốc sợ hãi quản ngục kinh khủng đến mức nào? Một ví dụ nữa có thể lấy từ tiểu thuyết nổi tiếng «Hồng nham» của nhà văn La Quảng Bân (1924 – 1967). Trong tác phẩm ông đã miêu tả nhà ngục của Quốc dân Đảng vô cùng kinh khủng, với những tình tiết tra tấn tàn nhẫn vô nhân đạo được nhà văn miêu tả sống động như thật. Thế nhưng ông từng ở trong nhà tù này hơn 400 ngày, khi ra tù không bị mất dù chỉ một sợi lông. Rồi đến sau khi cách mạng thắng lợi, ông lại bị đưa vào nhà tù của chính phe mình (Đảng Cộng sản Trung Quốc), nhưng khi ngồi tù đến ngày thứ 6 thì ông không thể chịu đựng nổi phải nhảy lầu tự tử. Thế mới thấy nhà tù của Cộng sản Trung Quốc đáng sợ thế nào?
Câu chuyện thứ hai: Vào năm 1956, chính phủ quy tội ông Mandela phản quốc. Dù thực tế ông Mandela không hề có âm mưu lật đổ chính phủ, chuyện này ngày nay chúng ta đều rõ. Còn tòa án Nam Phi khi đó vì cũng không có chứng cứ đã phải xử ông Mandela vô tội. Nếu chuyện này xảy ra ở Trung Quốc, chỉ cần chính phủ nói bạn có tội, các tòa án có dám xử bạn vô tội không? Trong chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì chính phủ chính là tòa án, thậm chí còn là tòa án của tòa án.
Câu chuyện thứ ba: Chuyện kể lại trong một phiên tòa xét xử Mandela, sau một lúc hỏi cung, bất ngờ công tố viên đột nhiên rời bỏ vị trí nhiệm vụ của mình rồi chạy tới cầm lấy tay Mandela đầy xúc động, công tố viên thú nhận bản thân mình đã làm việc không nghiêm túc. Ôi, đây quả là việc kỳ lạ, khó tin. Hãy tưởng tượng ở Trung Quốc, đã bao giờ xảy ra chuyện kỳ lạ như thế chưa? Đây chính là cái giới hạn làm người mà tôi muốn nói: cái giới hạn mà kẻ làm việc xấu cũng phải biết dừng lại. Đến giới hạn đó, người ta thà đập bể cả chén cơm của mình chứ không tiếp tục làm nữa.
Chắc hẳn câu chuyện lịch sử nói về thời nước Đức chia hai miền Đông và Tây nhiều người đều biết. Tây Đức cuộc sống giàu có phồn vinh, người dân hạnh phúc, vì thế mà vô số người Đông Đức vượt biên sang Tây Đức. Để hạn chế người Đông Đức chạy sang Tây Đức, chính quyền Đông Đức đã áp dụng nhiều biện pháp. Biện pháp mềm là cho xây bức tường Berlin thật cao, biện pháp cứng là thông báo ai dám vượt qua bức tường sẽ bị bắn chết. Tuy nhiên vì sức hấp dẫn của Tây Đức quá lớn nên nhiều người Đông Đức bất cần quan tâm đến mạng sống của mình, kết quả là vô số người Đông Đức bị mất mạng tại bức tường Berlin. Sau này khi Đông và Tây Đức nhập lại, tòa án cho xét xử những binh sĩ đã nổ súng bắn vào những người Đông Đức đã tháo chạy sang Tây Đức. Có người biện hộ nói những người lính kia chỉ làm theo mệnh lệnh, họ không có tội. Vì thế phải xử họ vô tội. Nhưng quan tòa nói, tuy họ làm theo mệnh lệnh, nhưng họ nên biết rằng, những người tháo chạy sang Tây Đức đều là người vô tội, ai cũng có quyền tự do chạy khỏi nơi tăm tối để đi về phía có ánh sáng.
Vì thế trong tình cảnh này, nếu cấp trên bắt phải nổ súng thì họ có thể giơ súng cao lên một chút. Nghĩa là họ có thể cố ý bắn không trúng để tha cho những người kia con đường sống.
Không hiểu tại sao nhiều người lính không biết làm như thế, trong lòng họ chỉ biết có mệnh lệnh và chấp hành vô điều kiện, họ không có bất cứ giới hạn nào để ngăn cản mình ngoài việc chỉ chấp hành mệnh lệnh như một cỗ máy.
Những người lính dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các thời Cải cách Ruộng đất, Cải cách Công thương, Chống cánh hữu, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn và gần đây nhất là cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã khiến cho gần 100 triệu người phải thiệt mạng. Những người lính đó, họ có biết giơ súng cao lên một chút không?
Sau cùng, là câu chuyện đòi độc lập ở Scotland. Có thể nhiều người không biết nước Anh được hợp thành từ 4 khu vực, gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland. Xưa nay Scotland là một phần không thể tách rời của nước Anh. Thế nhưng lại có những người Scotland muốn tách ra, muốn độc lập, họ muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 19/8/2014 để quyết định về sự độc lập của Scotland. Dùng cách nói của người Trung Quốc, đây là những phần tử “ly khai”. Phải giải quyết phần tử này như thế nào? Theo “truyền thống”, chúng ta có câu trả lời ngay: dùng vũ lực.
Hãy nhìn lại người Anh đã xử lý chuyện này như thế nào?
Hãy điểm lại một vài thông tin tư liệu:
Thủ tướng Anh Cameron đã có bài diễn thuyết xúc động tại Olympic London, ông nhắc đến huyết thống Scotland của mình cùng thành tích tại Olympic 2012 của đoàn thể thao Anh, hy vọng người Scotland sẽ không ủng hộ độc lập.
Trong bài phát biểu, ông Cameron đã thừa nhận nếu Scotland độc lập, việc phải chứng kiến sự “tan vỡ” quốc gia làm ông không thể chịu được. Ông nói chỉ còn thời gian 7 tháng để tránh tình trạng này xảy ra, và thỉnh cầu nước Anh, xứ Wales và Bắc Ireland bày tỏ ý nguyện cho người Scotland: “Chúng tôi mong các bạn hãy ở lại!”
Ông Cameron nói, việc chia rẽ sẽ khiến nước Anh phải trả giá bằng “sức ảnh hưởng” về ngoại giao, chính trị và kinh tế trên thế giới. Ông nói: “Tôi tự hào vì mình mang huyết thống Scotland”. Tổ tiên của ông Cameron trước đó đã chuyển từ Scotland đến Anh.
Ông còn dùng tinh thần của đoàn đại biểu nước Anh tại thế vận hội để nói rõ tầm quan trọng của Scotland với khối liên hiệp Anh. Ông nói: “Đối với tôi, điều tuyệt vời nhất tại Olympic London không phải là thắng lợi, mà là đỏ, trắng, xanh (3 màu lá cờ của nước Anh).”
Tiếp đó, trước ngày Scotland trưng cầu dân ý ba ngày, vào ngày 15/8, Thủ tướng Cameron lại tiếp tục hướng về người Scotland kêu gọi người dân Scotland hãy lựa chọn ở lại nước Anh, không nên chia nước Anh làm đôi.
Như vậy đã rõ, trước phần tử “ly khai”, nhà lãnh đạo nước Anh dù lòng như lửa đốt, nhưng vẫn ý thức rõ đâu là giới hạn, vì thế mà ông không thể áp dụng vũ lực, chỉ một lòng lấy tình và lý để thuyết phục.
Đương nhiên, Trung Quốc có đặc điểm riêng của Trung Quốc. Không thể yêu cầu phải bắt chước Tây phương, người ta làm sao thì Trung Quốc cũng nên làm vậy. Nhưng ít nhất, đâu là nhân đạo, đâu là nhân tâm, đâu là điểm giới hạn để thế giới có thể chấp nhận, đây là những vấn đề cần phải có nhận thức thấu đáo.
Theo Lý Thần Huy, Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: