Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc sẽ viện trợ xe tăng, chiến đấu cơ, máy bay không người lái, hay dàn phóng hoả tiễn đa nòng cho Nga. Nhưng Dennis Wilder, một nhà nghiên cứu tại trường đại học Georgetown, khi trả lời trang mạng Đài Âu Châu Tự Do, không loại trừ khả năng Bắc Kinh chi viện những loại vũ khí đạn dược cũ kỹ trong kho mà do Nga sản xuất. Chúng có thể được sử dụng và “chuyển giao một cách bí mật” qua ngả biên giới chung giữa hai nước, hoặc qua một trung gian thứ ba như Bắc Triều Tiên chẳng hạn. 

Cũng theo ông Wilder, chỉ cần tháo tên nhãn xưởng sản xuất và thay chúng bằng tên hãng một nước khác, thì “Hoa Kỳ khó thể tìm được chứng cớ rằng Trung Quốc đã có những hoạt động như vậy”. Theo ông, không như với máy bay không người lái, việc cung cấp các loại đạn dược cũ kỹ có lợi ở điểm là sẽ cung cấp cho Trung Quốc “một sự chối bỏ hợp lý” trước bất kỳ cáo buộc hoạt động chuyển giao nào trong tương lai. 

Về phần kế hoạch hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đề xướng, hầu hết giới quan sát đều có chung một nhận xét: Bản kế hoạch này là một ví dụ điển hình cho sự trung lập và thái độ mập mờ của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Temur Umarov, chuyên gia về quan hệ Nga – Trung thuộc Quỹ Quốc tế Carnegie vì Hòa bình, trên đài RFI nhận định, trong đề xuất này Trung Quốc thể hiện nhiều điểm mâu thuẫn, không có lập trường rõ ràng. “Một mặt, Bắc Kinh hậu thuẫn Matxcơva trong cuộc đối đầu toàn cầu chống phương Tây, mặt khác, Trung Quốc kêu gọi toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraina”, nhưng lại không kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraina. 

Một quan điểm cũng được nhà phân tích chính trị người Ukraina, Nataliia Butyrska, chuyên về Đông Á, trả lời hãng tin Mỹ AP, đồng chia sẻ. Nữ chuyên gia này đánh giá “chuyến thăm Nga này của ông Tập Cận Bình không phản ảnh nhiều mong muốn hòa bình của Trung Quốc, mà Bắc Kinh chỉ muốn có một vai trò quan trọng trong bất kỳ giải pháp nào có thể đạt được sau xung đột”. Bắc Kinh thiếu khách quan khi không phân biệt được ai là bên gây hấn, ai là nạn nhân. Do vậy, theo quan điểm của bà, “Trung Quốc đang tìm cách đóng băng cuộc xung đột”. 

Theo Đài RFI, dẫu sao thì Kyiv cũng nhận thấy rằng làm việc với Trung Quốc là “cần thiết”. Từ tháng 8/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được trao đổi với chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng chưa được đáp ứng. Ông Yurii Poita, lãnh đạo Mạng Nghiên cứu Địa chính trị Mới, trụ sở tại Kyiv, đánh giá một cuộc trao đổi như thế nếu diễn ra, đây chí ít cũng sẽ là một thắng lợi ngoại giao cho Kyiv: “Đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ít có khả năng viện trợ vũ khí thêm cho Nga”.