Nikkei Asian đưa tin, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa các nước châu Á có sự tham gia của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ đã rút lui.

Mười lăm quốc gia trải rộng khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hôm Chủ nhật (15/11) đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới, hứa hẹn sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển sau đại dịch của các thành viên.

15 nước bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, cùng với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cùng nhau, các quốc gia này chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội và dân số thế giới.

Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc gia nhập một hiệp định thương mại tự do phi song phương có quy mô như vậy.

Sự kiện diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ bớt nhiệt tình về việc tham gia các thỏa thuận thương mại toàn cầu và các cuộc đàm phán hậu Brexit giữa Liên minh châu Âu và Khối thịnh vượng chung Anh. Châu Á trông có vẻ sẽ đi đầu trong việc định hình kiến trúc thương mại toàn cầu mới.

Khuôn khổ thương mại tự do mới được ký kết mở rộng ra ngoài thương mại để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chung cho một loạt các hoạt động kinh tế.

RCEP sẽ có hiệu lực sau khi có ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN phê chuẩn.

Lễ ký kết hôm Chủ nhật được tổ chức trực tuyến với việc Việt Nam là nước chủ trì ASEAN năm nay.

RCEP đã chính thức được đề xuất vào năm 2012, và các cuộc đàm phán đã kéo dài từ năm 2013. Tiến độ đặc biệt chậm trong những năm đầu, nhưng các cuộc thảo luận đã lấy được đà sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2017.

Một ngoại lệ là Ấn Độ, quốc gia tham gia ngay từ đầu các cuộc đàm phán nhưng đã rút lui vào năm ngoái.

Nikkei cho biết, thỏa thuận bao gồm 20 chương quy tắc bao gồm mọi thứ từ thương mại hàng hóa, đầu tư và thương mại điện tử đến sở hữu trí tuệ và mua sắm chính phủ.

Thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa khác nhau giữa các bên tham gia, trong khi nâng trần sở hữu nước ngoài, nâng hạn mức sở hữu của khối ngoại trong nhiều ngành dịch vụ hơn, chẳng hạn như dịch vụ chuyên nghiệp và viễn thông. Chương thương mại điện tử nhằm mục đích tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thông tin cá nhân, cũng như thúc đẩy việc chấp nhận chữ ký điện tử.

Lễ ký kết đánh dấu đây là thỏa thuận thương mại đa phương lớn thứ hai cho châu Á, theo sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay CPTPP – phiên bản 11 thành viên của Hiệp định TPP, được tạo ra sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP. Bảy trong số 15 thành viên RCEP cũng thuộc CPTPP.

Ở một khía cạnh nào đó, hiệp định cũng mang lại những đột phá.

Đối với Trung Quốc và Nhật Bản – hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai châu Á – RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên kết nối hai bên. Thuế quan trên 86% hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được xóa bỏ, tăng so với mức 8% hiện tại. Điều này hứa hẹn những lợi ích lớn hơn cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

Việc ký kết diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động lạnh giá của dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam phục hồi nhanh hơn, thì nhiều nước châu Á tiếp tục ghi nhận sự suy giảm kinh tế trong quý từ tháng 7 – tháng 9. Vì vậy, vào Chủ nhật, các thành viên bày tỏ hy vọng rằng RCEP sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi và thịnh vượng lâu dài của khu vực.