Theo trang Nikkei, nhân quyền hiện có sự ảnh hưởng lớn đối với hành vi của người tiêu dùng và nhà đầu tư đang gây áp lực lên các thương hiệu lớn để tránh nguyên liệu từ các vùng có vấn đề. Điều này đã tạo nên sự biến động mới ở một số khía cạnh nhất định của thị trường hàng hóa.
Trong số này nổi bật nhất là vải bông. Xu hướng giá bông ở Mỹ và Trung Quốc đã phân hóa trong bối cảnh lo ngại về lao động cưỡng bức và các vụ lạm dụng khác đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân cương, vốn là vùng nguồn nguyên liệu lớn nhất của Trung Quốc cho tới nay.
Các doanh nghiệp đã tránh xa bông Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Washington đã bắt đầu hạn chế nhập khẩu các sản phẩm được làm bằng lao động Tân Cương vào nửa cuối năm ngoái. Khi các thương hiệu lớn rời bỏ bông Trung Quốc, kỳ vọng về sự chuyển dịch toàn cầu rộng rãi hơn đã gây áp lực giảm giá.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc là nhà sản xuất bông lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 7/2020. Khoảng 80% bông của Trung Quốc đến từ Tân Cương, khu vực này tập trung nhiều nhà máy kéo sợi và nhà máy may mặc.
“Các công ty đang bắt đầu thiết lập các chuỗi cung ứng bông, các chuỗi này bỏ qua Trung Quốc”, đại diện một nhà kinh doanh nguyên liệu này cho hay.
Mối quan tâm lớn hơn là đá quý ở Myanmar. Myanmar là một nhà sản xuất lớn các loại đá có giá trị. Đất nước này đặc biệt được biết đến với ngọc bích và những viên hồng ngọc “huyết bồ câu” có thể bán đấu giá hàng chục triệu đô-la.
Trong bối cảnh này, các thương hiệu toàn cầu đang có những động thái rõ rệt. Công ty kim hoàn Mỹ Tiffany cho biết trên trang web của họ rằng, họ không cung cấp ruby từ Myanmar, với lý do “lo ngại về những vi phạm nhân quyền đang diễn ra cũng như sự thiếu minh bạch” và đã không buôn bán loại đá quý này kể từ khi Mỹ có lệnh cấm nhập khẩu từ Myanmar vào năm 2003.
Nobuyuki Harada, Chủ tịch tổ chức Cố vấn trang sức và trưng bày Nhật Bản cho hay các công ty mua ruby với lo ngại về vấn đề nhân quyền đã chuyển khỏi Myanmar và dời sang Mozambique, nơi có nguồn cung ổn định.
Myanmar đã phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm vì đã thu lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán đá quý cho quân đội thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Mỹ đã định kỳ nhắm vào ngành này bằng các lệnh trừng phạt kể từ những năm 2000 và đã tái áp đặt sau cuộc đảo chính hồi tháng 2, cấm các công ty nhà nước Myanmar trong ngành này làm ăn với các công ty Mỹ.