“Mình mong là những ai đang phải đương đầu với các căn bệnh hiểm nghèo hãy lạc quan, dù chỉ còn một ngày được sống cũng hãy sống thật trọn vẹn và ý nghĩa”, cô gái trẻ mắc ung thư vú tâm sự.

“Chào mọi người, mình là Đặng Trần Thủy Tiên, sinh năm 2000, quê ở Hải Phòng, học Đại học Ngoại thương Hà Nội và đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú được 4 tháng rồi”, cô gái cất giọng trong cuộc gặp vào đầu tháng 10. Hiện Thủy Tiên đã vào Top 40 người đẹp của cuộc thi sắc đẹp 2019 của trường Đại học Ngoại thương.

Với chiều cao khiêm tốn 1,7 m và mái đầu không có tóc, cô gái chia sẻ trên báo VnExpress: “Bản thân mình không cảm thấy ngại ngùng khi tham gia cuộc thi sắc đẹp. Trái lại, mình tự tin rằng vẻ đẹp, sự lạc quan của mình sẽ tạo nên sự khác biệt và truyền cảm hứng đến mọi người”.

Thủy Tiên lúc chưa bị ung thư vú.

Trong đợt đầu tiên hóa trị, Thủy Tiên rất mệt, nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm, bạch cầu thấp, thiếu máu bởi tác dụng phụ của thuốc. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng cô gái vẫn thấy kiểu bị chênh vênh, khó diễn tả cảm xúc. Điều đó để nói nên nghị lực phi thường của cô gái khi đứng trên sân khấu ngày hôm nay.

Sự việc bắt đầu từ hồi tháng 6 năm nay, cô gái phát hiện có một cục hạch cứng ở ngực khi đi tắm. Một tuần sau, ngày 13/6, Thủy Tiên đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán là u xơ tuyến vú, khối u có đường kính tương đương kích thước quả chanh nên chỉ định tiểu phẫu cắt u. Thế nhưng để cho chắc chắn hơn, bác sĩ đã mang u đi sinh thiết giải phẫu bệnh. 

Kết quả sinh thiết lại khẳng định, Tiên bị ung thư vú giai đoạn 2A khiến Tiên và cả gia đình bàng hoàng, đi khám lại ở viện K vẫn cho cùng kết quả.

Với sự động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè cô gái mới bình tĩnh lại và chấp nhận số phận, bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh. Khác với những bệnh nhân ung thư khác, Tiên chủ động cạo trọc đầu. Bác sĩ nói liệu trình hóa chất của Tiên phải kéo dài cả năm và theo dõi tiến trình của bệnh 4 năm nữa.

Tiên chia sẻ, cạo trọc đầu khiến tâm trạng cô thoải mái hơn rất nhiều, còn tóc rụng sẽ sớm mọc lại thôi.

Trước khi chưa bị bệnh, như bao sinh viên trẻ khác có thói quen thức khuya, lười tập thể dục và ăn những món ăn không tốt cho sức khỏe thì giờ phải thay đổi hết hoàn toàn. Bây giờ sáng nào cô cũng dậy từ 5h sáng tập thể dục với bố, ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt, ngủ đủ giấc. Ngoài ra, Tiên vẫn duy trì việc học đàn, âm nhạc giúp cô bớt u uất đi rất nhiều.

Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nam giới, 99% tất cả các trường hợp ung thư vú xuất hiện ở nữ giới. Ung thư vú cũng là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nữ giới. Phụ nữ lớn tuổi thì có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ trẻ, gần 80% trường hợp mắc ung thư vú xuất hiện ở phụ nữ trên 50 tuổi. 

Ung thư vú bao gồm 4 giai đoạn, ở giai đoạn IIA (Giai đoạn phát triển): Khối u vú có kích thước từ 2 cm trở xuống (hoặc không phát hiện thấy khối u) và phát hiện ung thư (có kích thước lớn hơn 2,0 mm) trong 1 đến 3 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay hay trong những hạch bạch huyết gần xương ức; hoặc khối u có kích thước từ 2 đến 5 cm và không phát hiện ung thư trong các hạch bạch huyết.

Không dám nhìn đời bằng 1 con mắt, cô gái trân quý những gì mình đang có.

Ung thư vú có thời kỳ “tiền lâm sàng” kéo dài tới 8 – 10 năm, diễn ra rất âm thầm. Thời kỳ này phải thăm khám sàng lọc mới phát hiện được bệnh. Hiện nay, chẩn đoán muộn là thực trạng chung của các bệnh ung thư ở Việt Nam, trong đó có ung thư vú. Hơn 70% bệnh nhân ung thư vú đang được phát hiện ở giai đoạn III và IV.

Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm từ 100% ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0) xuống 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và đến giai đoạn IV chỉ còn 25%.

Nhưng dù ở giai đoạn nào thì sự lạc quan của bệnh nhân đóng vai trò quyết định sự thành công trong điều trị. Thủy Tiên là tấm gương để cho các phụ nữ mắc ung thư vú không quá bi quan về căn bệnh hiểm nghèo này.

(Ảnh nhân vật cung cấp)