Mới đây, vụ việc tử vong của nam thanh niên 20 tuổi do viêm tuỵ cấp sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đang nhận được sự chú ý của dư luận. Bệnh lý này có mức độ nguy hiểm thế nào và biện pháp phòng ngừa là gì?

Bệnh nhân Nguyễn D.H (20 tuổi, quê Đồng Nai) xuất hiện triệu chứng đau bụng, được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp theo dõi hoại tử và chuyển gấp lên bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Sau quá trình điều trị tích cực 24 ngày với chẩn đoán là viêm tuỵ cấp hoại tử nặng, điều trị theo phác đồ của bệnh viện và trải qua ca phẫu thuật với hy vọng mong manh, bệnh nhân đã không thể qua khỏi.

Vậy bệnh lý viêm tuỵ cấp là gì? Và mối nguy hại mà nó mang lại ra sao? Mời bạn đọc tìm hiểu bài viết để có thêm thông tin về căn bệnh nguy hiểm này.

Viêm tuỵ cấp là gì?

Viêm tuỵ cấp là bệnh lý cấp tính của tuyến tuỵ. (Ảnh: youtube.com)

Tuyến tuỵ vừa có chức năng nội tiết, tiết hormone insulin và glucagon để điều hoà đường huyết; vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hoá thức ăn.

Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi đổ vào ruột non. Men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương, viêm hoại tử.

Viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính của tuyến tụy, có nhiều thể từ viêm tụy phù nề cho đến viêm tụy hoại tử. Mức độ hoại tử mô tụy liên quan đến diễn tiến trầm trọng của bệnh và có thể dẫn tới tử vong. Bệnh cảnh chủ yếu là đau bụng cấp.

Nguyên nhân dẫn tới viêm tuỵ cấp

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tuỵ cấp, trong đó có hai nguyên nhân chính:

  • Bệnh đường mật do giun hoặc sỏi (chiếm 40 – 50%)
  • Do rượu bia, sau bữa ăn thịnh soạn (chiếm 20 – 30%)

Một số nguyên nhân ít gặp hơn:

  • Do chấn thương vùng bụng từ ngoài
  • Sau phẫu thuật vùng bụng nội soi và chụp đường mật tuỵ ngược dòng
  • Do thuốc đang sử dụng như: Cimetidine, Estrogenes, Furosemide…

Và có khoảng 20 – 25% không tìm ra nguyên nhân.

Những biểu hiện của bệnh viêm tuỵ cấp

Đau bụng là dấu hiệu thường gặp nhất trong viêm tuỵ cấp. (Ảnh: vicare.vn)

Đau bụng: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất, cơn đau thường khởi phát đột ngột, sau một bữa ăn no, nhiều mỡ, sau bữa tiệc thịnh soạn. Đau có tính chất dữ dội, từ vùng trên rốn bên trái lan ra sau lưng trái. Cơ đau có xu hướng giảm khi gập cong người.

Triệu chứng kèm theo: Nôn nhiều và liên tục, sau nôn không đỡ đau. Trường hợp nôn ra máu là gợi ý của viêm tuỵ cấp xuất huyết, tiên lượng nặng.

Các triệu chứng toàn thân khác:

  • Sốt: Nếu xuất hiện sớm trong 2 – 3 ngày đầu thường là do phản ứng của cơ thể với mô hoại tử hoặc do bệnh đường mật phối hợp. Nếu xuất hiện muộn thì lưu ý đến áp xe tuỵ, viêm phúc mạc.
  • Xuất hiện vàng da
  • Có biểu hiện táo bón hoặc tiêu chảy. Có thể có tình trạng liệt ruột và chướng hơi trong ổ bụng.

Các biến chứng của viêm tuỵ cấp

  • Tình trạng sốc có thể xảy ra do xuất huyết hoặc nhiễm trùng.
  • Xuất huyết tại tuyến tuỵ, trong xoang bụng, trong ống tiêu hoá hoặc ở các cơ quan xa do men tuỵ làm tổn thương các mạch máu. Biến chứng này thường xảy ra trong tuần đầu của bệnh, tiên lượng nặng.
  • Nhiễm trùng tại tuyến tuỵ thường xảy ra vào cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh dẫn đến thành lập ổ áp xe tuỵ có thể khu trú hoặc lan toả.
  • Suy hô hấp cấp (ARDS): tiên lượng nặng.
  • Nang giả tuỵ thường xuất hiện vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh do hiện tượng đóng kén để khu trú tổn thương có thể dẫn đến các biến chứng bội nhiễm khuẩn, hoá áp xe.
  • Viêm tuỵ cấp tái phát nhiều lần có thể hình thành nên bệnh lý viêm tuỵ mạn.

Điều trị viêm tuỵ cấp

Phần lớn là điều trị nội khoa kết hợp với hồi sức cấp cứu. Nguyên tắc chung là giúp tuỵ nghỉ ngơi, giảm đau, giảm tiết bằng nhịn ăn uống và hút dịch vị; bù nước, điện giải. Sau đó tuỳ nguyên nhân mà bác sĩ lên phác đồ có kháng sinh, thuốc diệt giun, loại bỏ sỏi (nếu có).

Mặc dù có những tiến bộ về y khoa nhưng viêm tuỵ cấp vẫn là bệnh nặng, tỉ lệ tử vong ngày đầu là 20 – 40% do sốc, suy thận, hạ canxi máu, glucose máu tăng; đối với viêm tuỵ cấp hoại tử, tỉ lệ này là 80%; viêm tuỵ cấp phù nề tỉ lệ tử vong là 10%. Sau vài ngày bệnh lui vẫn cần đề phòng tái phát.

Làm gì để phòng chống bệnh viêm tuỵ cấp có hiệu quả?

  • Cần ngừng uống rượu bia: như đã nói ở trên, rượu bia chính là một trong hai nguyên nhân chính gây viêm tuỵ cấp. Có tới hơn 70% người bệnh viêm tuỵ mạn là do rượu. Đây là nguy cơ làm bùng phát đợt viêm tuỵ cấp. Do vậy, hãy biết nói không với tác nhân gây hại này.
Ngừng uống rượu bia để bảo vệ sức khoẻ của bạn. (Ảnh: baomoi.com)
  • Ngừng hút thuốc lá: Một số báo cáo cho thấy rằng, thuốc lá là yếu tố nguy cơ độc lập của viêm tuỵ cấp và cần khuyến cáo bệnh nhân viêm tuỵ cấp bỏ thuốc lá.
  • Thiết lập một chế độ ăn ít chất béo, tăng cường rau xanh và hoa quả, không ăn nhiều chất béo, chất đạm một lúc và không ăn quá no.
  • Viêm tuỵ cấp do giun: cần tẩy giun 4 – 6 tháng/lần.

Mộc Chi