Bộ Y tế Việt Nam đã thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh chủ động tại các cửa khẩu và tại cộng đồng.

Sáng 7/1, Thông tin từ Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và Hệ thống giám sát dịch bệnh Việt Nam cho biết, hiện nay Trung Quốc ghi nhận thêm các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tính đến ngày 6/1, quốc gia này đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, chưa có trường hợp tử vong.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng đã ban hành Công văn số 7/DP-DT ngày 6/1 gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh xâm nhập.

Bộ Y tế ban hành công văn khẩn phòng chống dịch xâm nhập (ảnh: Báo Pháp Luật).

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Bộ Y tế Trung Quốc điều tra nguyên nhân các ca bệnh và không khuyến cáo bất kỳ biện pháp nào hạn chế việc đi lại đến khu vực có ca bệnh tại Trung Quốc.

Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để cung cấp thêm các thông tin và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi nói trên tại Trung Quốc để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.

videoinfo__video3.dkn.tv||5742be762__

GS Jiang Rongmeng, công tác tại Bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh, một trong những trung tâm y tế hàng đầu về chữa các bệnh lây truyền, cho rằng các báo cáo cho đến nay gợi ý rằng dịch viêm phổi lần này có thể do một chủng virus hiếm gặp hoặc loại virus chưa từng biết đến gây ra, và việc xác định nó là gì có thể phải ít nhất 1 tuần.

Trong đại dịch Sars năm 2002-2003, hơn 5.300 người nhiễm bệnh và 349 người ở đại lục thiệt mạng. Tại Hong Kong, 1.750 người mắc bệnh và 299 bệnh nhân không qua khỏi. Giới chức Hong Kong mất 10 ngày để tìm ra virus Sars vào năm 2003.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, virus gây bệnh Sars được cho là virus xuất phát từ động vật, có thể là dơi, sau đó lan truyền sang các động vật khác rồi lây sang người, với các trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ở Quảng Châu vào cuối năm 2002.