Một kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Science Translational Medicine: “Vết thương ban ngày nhanh lành hơn vết thương ban đêm” gợi mở nhiều điều mới mẻ trong y học.

Theo hãng tin UPI, các cuộc thí nghiệm với tế bào da và những tế bào khác trên chuột cho thấy các vết thương ban ngày lành nhanh hơn gấp 2 lần so với vết thương ban đêm.

Sau đó, khi phân tích quá trình hồi phục thương tích ở 118 người bị phỏng, các chuyên gia của Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa ở Cambridge (Anh) nhận thấy các vết thương xảy ra ban đêm cần thời gian để lành lâu hơn 60% so với các vết thương xảy ra trong ngày.

Các chuyên gia Anh kết luận đồng hồ sinh học của cơ thể điều khiển quá trình lành thương bằng các tế bào da và tối ưu hóa việc làm lành trong ngày. Họ nói thêm rằng điều này có thể có lợi cho việc phẫu thuật và các thủ tục y khoa khác, và có thể dẫn đến việc bào chế những loại thuốc mới để cải thiện quá trình làm lành vết thương.

Đồng hồ sinh học có mối liên hệ mật thiết với sự vận hành của kinh lạc trong cơ thể. (Ảnh: kenh14.vn)

Chúng tôi đã chứng minh các chu trình hàng ngày trong đồng hồ sinh học của cơ thể kiểm soát việc các tế bào có thể sửa chữa mô bị tổn thương tốt như thế nào bằng cách tác động một protein có tên gọi actin.”, tác giả nghiên cứu Ned Hoyle cho biết.

Cũng theo chuyên gia trên, việc sửa chữa da hiệu quả là rất quan trọng đối với việc ngăn ngừa nhiễm trùng, và khi quá trình làm lành bị trục trặc, các vết thương trở thành mạn tính và sẹo xấu có thể xuất hiện.

Ông Hoyle và các cộng sự cho rằng việc nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa đồng hồ sinh học và việc làm lành vết thương “có thể giúp chúng ta phát triển những loại thuốc ngăn ngừa tình trạng làm lành không hiệu quả hoặc thậm chí cải thiện kết quả phẫu thuật.

Nhịp sinh học theo góc độ của Đông y

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, các cơ quan trong cơ thể con người hoạt động theo một chu kỳ liên tục mỗi ngày. Cung cấp cho cơ thể với các chất dinh dưỡng và năng lượng, đồng thời loại bỏ chất thải là cách tự nhiên giúp nó khỏe mạnh. Ví như sự tuần hoàn thải độc của cơ thể:

  • 9- 11h đêm: Hệ miễn dịch (Lympha) thải độc.
  • 11h đêm- 1h sáng: Mật đang tích cực làm việc.
  • 1-3 h sáng: Gan làm sạch các độc tố từ thực phẩm trong máu.
  • 3-5h sáng: Lá phổi đang sung sức nhất.
  • 5-7h sáng: Ruột già được kích hoạt mạnh mẽ.
  • 7-9h sáng: Dạ dày hấp thu tốt nhất dinh dưỡng.
Các cơ quan trong cơ thể con người hoạt động theo một chu kỳ liên tục mỗi ngày. (Ảnh: kenh14.vn)

Điều này cho thấy cơ thể chúng ta hoạt động là có quy luật nhất định thích ứng với sự vận hành của vũ trụ. Sự thay cũ đổi mới là tương thích với ban ngày khi mọi sự vật sinh trưởng, hoạt động; ngược lại sự đào thải lại diễn ra vào ban đêm khi mọi sự vật xung quanh tĩnh lại. Đó là lý do tại sao vết thương ban ngày nhanh lành hơn vết thương ban đêm.

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.