Theo Đông y, đường phèn vị ngọt tính bình, được sử dụng để trị viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, đau rát họng, khí huyết hư, chóng mặt, đau đầu…

1. Trị ho, viêm họng

Cách 1: 20 g vỏ quýt, 100 g đường phèn đem nấu với 1,5 lít nước. Nấu cho vỏ quýt thật chín. Dùng cả nước và cái để trị chứng ho khan do thời tiết gây ra. Dùng trong 3-5 ngày.

Cách 2: Lấy cánh hoa hồng còn tươi đem chưng với một ít đường phèn để uống trị ho do thời tiết. Dùng trong 3-5 ngày. Lưu ý, cánh hoa hồng nên ngâm nước muối trước khi cho lên chưng để đảm bảo không chứa hóa chất.

Cách 3: Lấy một ít đường phèn cùng vài lát gừng tươi (gọt bỏ vỏ, cắt nhuyễn) cho vào chén, đem hãm với nước sôi để uống trị cảm ho do thời tiết.

Cách 4: Quả lê cắt ngang phần núm rồi khoét bỏ lõi hột lê, cho mật ong hoặc đường phèn vào, sau đó chưng cách thủy chín. Dùng cả cái và nước.

2. Kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng

Dùng khoảng 50 g quả bầu gọt bỏ vỏ, rửa sạch, cùng một ít đường phèn cho vào nồi với 750 ml chưng đến khi còn lại khoảng 250 ml. Gạn bỏ bã, lấy nước dùng, uống mỗi ngày giúp kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng hơn.

3. Tốt cho tim mạch

Nguyên liệu: 30 g đường phèn, 50 g hạt sen, 10 g nhân sâm, 100 g gạo nếp loại ngon.

Cách làm: Hạt sen bỏ tâm, cùng các nguyên liệu trên cho vào nồi đem nấu cháo. Khi cháo gần chín thì cho đường phèn vào, khuấy đều. Món ăn này giúp điều hòa tim mạch, bổ huyết. Thực hiện liên tục trong 10 ngày.

4. Hạ huyết áp

Nguyên liệu: Đường phèn cùng 50g hoa cúc khô (rửa sạch).

Cách làm: Cho hoa cúc vào nồi cùng lượng nước vừa dùng nấu đến sôi, nấu thêm 10 phút, để nguội, sau đó gạn lấy nước, rồi cho nước đường phèn vào khuấy đều. Uống mỗi ngày giúp hạ huyết áp, tinh thần sảng khoái.

5. Điều trị viêm, xơ gan

20 g đường phèn, 30 g hồng táo, 20 g đậu phộng đem nấu nước uống trong ngày. Dùng 1 tháng, nếu bệnh thuyên giảm thì nghỉ 1 tháng rồi sau tiếp tục liệu trình.

6. Hạ sốt

100-200 g bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, thái lát, đường phèn liều lượng thích hợp, thêm chút nước khuấy đều, nấu thành chè. Dùng trong 3-5 ngày đến khi hạ sốt.

Lan Phương