Biện pháp hình thức xử lý trên được cho là rất nghiêm khắc, song đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm đối với loại tội phạm tình dục này. Tuy nhiên liệu nó có giải được gốc vấn đề?

Tại buổi toạ đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” tổ chức vào chiều 14/3 tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất nên áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em để tiêu diệt dục tính, ngăn chặn khả năng tái phạm.

Vậy “thiến” hóa học là gì?

Theo giới chuyên môn, “thiến” hóa học là biện pháp tiêm (hoặc uống) hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục.

Năm 1996, California là bang đầu tiên ở Mỹ áp dụng biện pháp này đối với tội phạm hiếp dâm nhằm vào trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần. Sau đó, 8 bang tiếp theo đã áp dụng hình phạt tự nguyện bị thiến bằng hóa chất gồm Florida, Georgia, Iowa, Louisiana, Montana, Oregon, Texas, Wisconsin. Riêng bang Texas cho phép những kẻ phạm tội nhiều lần có quyền lựa chọn phương pháp cắt tinh hoàn. Tháng 5/2016, một dân biểu tại bang Alabama tiếp tục vận động thông qua dự luật “thiến” áp dụng với tội phạm tấn công tình dục trẻ em (bao gồm cả nam và nữ) mà ông đã đưa ra từ năm 2013.

Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật cho phép “thiến hóa học” đối với tội phạm vào năm 2011, tiếp đến là Indonesia áp dụng vào năm 2016. Tại châu Âu, một số quốc gia như Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý ngăn chặn hoàn toàn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, các nước như Argentina, Úc, Israel, New Zealand… cũng áp dụng hình phạt tương tự đối với loại tội phạm này.

Mặc dù luật “thiến” đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được nghiên cứu và thông qua tại nhiều quốc gia, cũng có nhiều luồng ý kiến phản đối về hình phạt này. Các ý kiến cho rằng “thiến” chỉ có thể làm giảm ham muốn tình dục chứ không thể giúp ổn định tâm lý của tội phạm. Các nhóm hoạt động nhân quyền, bao gồm Tổ chức ân xá Quốc tế, đã gọi hình phạt “thiến” là vi phạm nghiêm trọng Công ước Nhân quyền Liên hợp quốc.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, tội phạm tình dục trẻ em (hay còn gọi là ấu dâm) là một chứng rối loạn tâm thần với những ham muốn tình dục mạnh mẽ liên tục đối với trẻ em chưa hoặc mới dậy thì. Hiện nay, khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh ấu dâm. Cho đến thời điểm này, không có bằng chứng có khả năng chữa được bệnh ấu dâm.

Không phải là biện pháp tuyệt đối

Nhiều người nhanh chóng ủng hộ biện pháp này, tuy nhiên, một số chuyên vẫn có ý kiến lo ngại các tác dụng phụ của “thiến hóa học”. Theo đó nó có thể khiến kẻ tội phạm trở nên “điên cuồng” hơn và hành động cực đoan. Mặt khác khi không được tiêm thuốc liên tục, tác dụng của thuốc có thể giảm và mất đi, mức testoterone lại trở về ngưỡng cao, khi đó không có gì đảm bảo rằng “kẻ kia” sẽ không tiếp tục làm bậy. Một ví dụ được đưa ra đối với  Joseph Frank Smith, một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em bị kết án, bị tiêm thuốc vào những năm 1980, và sau đó đã trở thành người ủng hộ việc “thiến hóa học”. Smith đã ngừng sử dụng thuốc tiêm vào năm 1989. Tuy nhiên đến năm 1999, Joseph Frank Smith lại bị kết án tù vì đã lạm dụng một bé gái năm tuổi. Ngoài ra “thiến hóa học” cũng có thể gây ra những phản ứng phụ ở một số người “bao gồm trầm cảm, mệt mỏi, tiểu đường, và huyết khối“.

Xét cho cùng không có gì là an toàn tuyệt đối, nhất là khi chúng ta đang phải đối mặt với việc chuẩn mực đạo đức đã suy hoại trong nhiều tầng lớp, các vấn đề bạo lực tranh giành và “sinh lý thầm kín” nay được phổ rộng khắp các kênh truyền thông. Có lẽ đây chính là nguồn gốc của các vấn nạn hôm nay, không chỉ là xâm tại tình dục trẻ em mà còn có giết người hàng loạt, mổ cướp nội tạng…

Minh Thành

Xem thêm: