Ung thư hiện đang là một trong những căn bệnh nguy hiểm, gây hoang mang lớn cho bản thân người bệnh, cho gia đình của họ và cho cả cộng đồng. Trong khi đó, bệnh lại có diễn biến phức tạp và chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào để chống lại nó.

Mặc dù các loại ung thư thường có dấu hiệu và biểu hiện ra bên ngoài cơ thể để cảnh báo sớm nhưng muốn xác định chính xác cơ thể có mắc ung thư hay không thì cần đến cơ sở y tế khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán.

Việc chẩn đoán ung thư được thực hiện thông qua các xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh (chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET-CT), tế bào học và một số phương pháp khác.

Dưới đây là một số xét nghiệm cần có để khẳng định cơ thể mắc bệnh ung thư

1. Xét nghiệm máu sàng lọc

xét nghiệm các dấu ấn ung thư. (Ảnh: lalpathlabs.com)

Xét nghiệm máu là kỹ thuật đơn giản nhất hiện nay để sàng lọc ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi loại ung thư đều có một đặc điểm nhận dạng sinh học riêng mà được gọi là các dấu ấn ung thư (marker ung thư). Khi khối ung thư xuất hiện, các dấu ấn này cũng sẽ xuất hiện trong máu với nồng độ cao do vậy khi xét nghiệm máu, thông qua các dấu ấn này mà có thể chẩn đoán được bệnh ung thư.

Một số dấu ấn ung thư điển hình mà dựa vào đó ta có thể xem xét hoặc chẩn đoán được nguy cơ ung thư đó là:

PSA: chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
AFP: chẩn đoán ung thư gan
CA: chẩn đoán ung thư vú
CEA: chẩn đoán ung thư buồng trứng.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ là kỹ thuật sàng lọc ban đầu và còn tồn tại tỷ lệ không chính xác, để xác định bệnh ung thư còn cần phải kết hợp cùng các kỹ thuật khác để đưa ra kết quả chính xác nhất.

2. Chẩn đoán hình ảnh

Ảnh: iunoy.com

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong chẩn đoán ung thư bao gồm các kỹ thuật như chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET-CT. 

Các kỹ thuật này giúp các bác sĩ quan sát chi tiết các bộ phận bên trong cơ thể, đồng thời phát hiện ra các bất thường, chẳng hạn như khối u.

Hiện nay kỹ thuật tiên tiến nhất được sử dụng trong việc xác định một khối ung thư là phương pháp PET/CT là thiết bị y khoa hạt nhân áp dụng công nghệ kết hợp giữa máy PET và máy CT, có thể phát hiện được khoảng 80% các loại ung thư, cả ung thư giai đoạn sớm ngay sau khi cơ thể chỉ mới có sự thay đổi bệnh lý về chuyển hóa mà chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc.

Ngoài ra, thiết bị còn giúp tìm kiếm ở các bệnh nhân vị trí ung thư di căn, vị trí ung thư nguyên phát, giúp các bác sĩ tiên lượng và có nững phương pháp điều trị hiệu quả.

3. Sinh thiết

Ảnh: Womanlifes.com

Sinh thiết là một thủ thuật y tế trong đó một mẫu nhỏ của mô cơ thể được lấy ra để kiểm tra dưới kính hiển vi. Mẫu mô này có thể được lấy từ bất cứ vị trí nào trên cơ thể, kể cả da, nội tạng và các cấu trúc khác.

Đây là kỹ thuật sau cùng để xác định bệnh nhân có mặc bệnh ung thư sau khi một loạt các xét nghiệm, chẩn đoán chẳng hạn như X-quang, CT,… và đã xác định được khối u. (Khi chưa có kết quả sinh thiết tế bào các bác sĩ sẽ không được kết luận một bệnh nhân có bị ung thư hay không.)

Sinh thiết là một xét nghiệm chẩn đoán ung thư được áp dụng cho hầu hết tất các loại ung thư, vì nó cung cấp kết quả chính xác nhất.

Các loại sinh thiết bao gồm

Sinh thiết bấm: dùng trong chẩn đoán các bệnh về da. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt bấm một lỗ nhỏ thông qua các lớp trên cùng của da để lấy một mẫu da cần sinh thiết. Với phương pháp này, người bệnh có thể được tiêm một số thuốc tê tại chỗ hoặc bôi một số kem gây tê trước.

Sinh thiết kim: hay còn gọi là phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ, được sử dụng để lấy mẫu mô từ cơ quan hoặc khối u dưới da. Bác sĩ dùng một bơm tiêm chuyên dụng đâm xuyên qua da vào thận, gan, tuyến giáp, tủy xương hoặc khối u bất thường… sau đó lấy ra một mẫu mô. Bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ để tiêm thuốc

Sinh thiết nội soi: Sinh thiết thường được thực hiện trong các thủ thuật nội soi. Chẳng hạn trong nội soi dạ dày, bác sĩ cũng có thể tiến hành lấy sinh thiết niêm mạc dạ dày.

Sinh thiết cắt bỏ: trong sinh thiết bỏ, một phần hoặc toàn bộ khối u có thể được lấy ra để tìm tế bào bất thường. Sinh thiết cắt bỏ được thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, phụ thuộc vào vị trí khối u. Loại sinh thiết này có thể thực hiện cho khối u ở vú.

Minh Nguyên