“Chắc cậu cũng bắt đầu mệt mỏi rồi sau ngần ấy năm miệt mài làm việc, nhưng để tớ nhắc cậu nghe…”, bác sĩ trẻ viết trong thư. Làm một bác sĩ chăm sóc cho biết bao người nhưng anh lại quên chăm sóc cho chính bản thân mình.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn đang công tác tại Đơn vị Tế bào gốc thuộc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM) đã viết một bức thư gửi chính mình sau 10 năm. Bức thư là những câu chuyện nhỏ về công việc của một người khoác lên người chiếc áo blue. Dưới đây là đôi dòng tâm sự anh viết cho chính mình để tự nhủ lòng: dù con đường có khó khăn đến đâu mình sẽ vẫn nỗ lực để thực hiện sứ mệnh cứu người thiêng liêng.

Chào cậu!

Đêm trực hôm nay dài quá phải không cậu? Nhưng cảm ơn cậu vì vẫn còn nhớ đến người bạn cũ này. Chắc cậu lại vừa chứng kiến một bệnh nhân nữa rời xa thế giới này mà bản thân cậu không thể làm gì hơn. Dù sau ngần ấy năm cậu vẫn chỉ dám giấu đi một tiếng thở dài và lại ngồi tâm sự với tớ. Rồi chúng mình lại cùng tự nhủ thôi thì bệnh nhân của mình đã được đến một nơi yên bình hơn còn chúng mình lại tiếp tục hành trình với những bệnh nhân khác.

Bác sĩ Minh Tuấn đang khám cho bệnh nhân, ngoài cùng bên tay phải (Ảnh: FB)

Cậu còn nhớ cảm giác lần đầu tiên khi cậu ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức thành công cho một bệnh nhân 18 tuổi ngừng tim sau tai nạn sét đánh không? Điều ấy thật kỳ diệu cậu nhỉ: Việc cứu sống một ai đó! Nhưng ranh giới giữa sự sống và cái chết chẳng phải quá mong manh đó sao? Hơn một tháng trời sau bệnh nhân nằm viện, cậu tích cực điều trị, tự nhủ cuộc đời của một cậu bé 18 tuổi còn biết bao thứ để trải nghiệm, đã bao lần có những tín hiệu tích cực vụt lên rồi lại tắt ngay, để rồi cuối cùng chính cậu lại ép tim ngoài lồng ngực cho cậu bé ấy, nước mắt chảy lúc nào không hay.

Bác sĩ như chúng mình cũng chỉ là con người cả thôi, có tài giỏi thế nào cũng chỉ chữa được bệnh, chứ đâu có chữa được mệnh người? Nhưng tớ thấy thật vui vì ngay sau đó cậu vẫn chỉ chọn giữ lại những cảm xúc tích cực và tiếp tục con đường quá đỗi gian nan.

Lần đầu đón giao thừa ở khoa cấp cứu. Tranh thủ giờ ăn để chụp ảnh. (Ảnh: FB)

Chắc cậu cũng bắt đầu mệt mỏi rồi sau ngần ấy năm miệt mài làm việc, những đêm thức trắng theo dõi bệnh nhân, những ngày bóp bụng chờ lương về để rồi lại thở dài suy nghĩ xem chi tiêu thế nào cho hợp lý. Chắc cậu cũng bắt đầu mệt mỏi rồi sau ngần ấy dịp lễ Tết cậu không thể về nhà hay ăn trọn vẹn cùng mẹ một bữa cơm chỉ vì bận trực.

Chắc cậu cũng bắt đầu mệt mỏi rồi sau ngần ấy năm cứu sống và chữa khỏi cho không biết bao nhiêu con người để rồi cuối cùng hôm nay, dù cậu đã làm đúng chuyên môn, hết sức mình nhưng người nhà bệnh nhân vẫn lên tiếng đổ hết lỗi lầm lên cậu sau khi bệnh nhân đã ra đi.

Nhưng để tớ nhắc cậu nghe về cái ngày cậu dành tiền lương vừa nhận để đóng tiền tạm ứng giúp bệnh nhân vì nhà bệnh nhân chưa chuẩn bị đủ tiền. Tháng đó cậu phải nhịn đói nhiều hơn, nhưng cảm giác thấy bệnh nhân khỏe lên mỗi ngày khiến cậu quên đi hết. Ngày bệnh nhân xuất viện, người nhà mang vào tận phòng làm việc một cặp gà trống mái to thiệt to: “Cả nhà cả cửa chỉ còn thế này cũng phải mang lên biếu bác”. Cậu nhìn con gà trống vừa phẹt ra một bãi xuống nền nhà mà bật cười, dù ngày đó cậu không nhận, dặn họ mang về nuôi cho đẻ thành cả đàn rồi cậu sẽ xuống tận chuồng để chọn. Hôm đó cậu được một bữa no tấm lòng, bù cho cả tháng.

Để tớ nhắc cậu nghe về những con người rất đáng yêu cậu từng gặp trên mảnh đất này. Người tốt, việc tốt vẫn còn nhiều lắm trên đất nước mình và đó là hạt giống niềm tin mà cậu đã từng ươm mầm đấy thôi trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chúng mình.

Y tế nước ta còn nhiều thiếu thốn, lần ấy có người hỏi so sánh với các ngành khác thì bác sĩ ở Việt Nam thật quá thiệt thòi, đứa nào đã oang oang đứng lên nói ngay không suy nghĩ: “Ngành nào thì cũng có những khó khăn và vất vả riêng, sao có thể so sánh vậy được? Quan trọng là chúng ta đã lựa chọn con đường cho mình thì dù có thế nào cũng phải làm cho thật tốt. Có đói, có nghèo, có bị chửi oan, có ấm ức ra sao thì cũng an nhiên mà làm công việc của mình thôi: Cứu người. Giờ ai cũng kêu không làm ngành y vì khổ… thì ai sẽ làm bây giờ? Mà thật ra đã sống trên đời này ai cũng khổ cả thôi, biết gạt cái khổ của bản thân qua một bên mà nghĩ cho những cái khổ của người khác thì cuộc sống chẳng dễ chịu hơn sao? Rồi thì y tế nước mình cũng có ngày tốt lên thôi”.

Độc thân vui vẻ

Vậy nên cảm ơn cậu những lúc như này vẫn còn nghĩ đến tớ. Để rồi đọc xong những dòng này, sáng mai thôi, cậu lại tiếp tục hăng say với công việc bác sĩ của mình, lại nhóm lửa tiếp tục thắp cho đam mê mà cậu theo đuổi suốt bao năm qua. Bởi vì niềm tin vào sự tử tế, vào tương lai tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cậu như ngày nào. À, cho tớ nhắc cậu lần thứ n rằng tìm một người yêu đi.

Suốt ngày đi lo cho người khác thì cậu cũng cần phải có một người lo cho mình chứ? Rồi sẽ có người sẵn sàng chờ cậu ở nhà với một bữa cơm, một người khiến cậu thấy bình yên mà quên hết mệt mỏi, một người có thể nhẹ nhàng giúp cậu trút hết âu lo cậu mang theo mỗi ngày và một người luôn ôm chặt cậu mỗi khi cậu giật mình trong đêm khi tưởng có điện thoại hay tiếng chuông cấp cứu. Nhưng đừng có ngồi đó mà chờ đợi. Đi tìm đi!

Luôn tin tưởng và yêu thương cậu.

Ký tên

Tớ   

Lễ tốt nghiệp trường Y của MinhTuấn, hàng dưới, ngoài cùng bên tay trái. Sẽ không hối hận vì được làm 1 bác sĩ!

***

Một đồng nghiệp đọc thư trả lời: Nhất y nhì dược, tạm được bách khoa… liệu có còn đúng? Người mặc áo trắng phận cũng bạc sao!

Ngành y từ lâu đã được xem là một ngành cao quý, suy tôn bậc Thầy- Thầy thuốc, nên được mọi người rất coi trọng. Học hành đã vất vả ra trường làm việc càng bận rộn hơn bởi lẽ bệnh tật đâu có đi ngủ về đêm và thôi gây bệnh vào ngày lễ đâu.

Nhưng cuộc sống hiện đại đã thay đổi rất nhiều, nhiều thứ hiện đại phụ diện du nhập, đạo đức xã hội không còn thủ giữ sự thiện lương. Mới đây có chuyện 2 côn đồ hành hung bác sĩ ở bệnh viện Khoa Y học Cổ truyền của Bệnh viện Thể thao Việt Nam (Nam Từ Liêm, Hà Nội) và còn bắt quỳ xuống xin lỗi. Rồi thì sản xuất thuốc giả, sử dụng thuốc cận date đã làm bao bệnh nhân hoang mang, bao nhiêu tai tiếng đổ lên ngành y.

Trước khi ra trường sinh viên y nào cũng đọc lời thề Hippocrates, nguyện làm một người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”. Một người thầy thuốc không có tâm đức cầm trên tay con dao phẫu thuật thì không khác chi kẻ đồ tể. Hẳn cậu cũng thấy nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra phổ biến ở nước láng giềng Trung Quốc, còn sự ngốc nghếch nào hơn khi mà giết một người khoẻ mạnh để cứu một người bệnh khi mà nó vẫn không thể hoàn hảo.

Nhưng khi đọc được lá thư của cậu, mình thấy có niềm tin hơn! Trong xã hội đảo điên như vậy vẫn có thể giữ sự lạc quan và yêu nghề thì thật xuất sắc, quả đúng là “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Chính vì vậy, việc đầu tiên khi đọc xong bài viết của cậu là mình muốn chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp hơn và cả những bạn có ước mơ lựa chọn nghành y. Hãy vững tin theo đuổi ước muốn của mình! Làm bác sĩ tuy phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, tiếp xúc nhiều thứ kinh dị; dẫu có khó nhọc và vất vả nhưng đó lại là niềm vui, vui vì đang làm việc cứu người như cậu nói.

Cuối cùng, từ đáy lòng cảm ở bài viết của bạn đồng nghiệp! Hãy vẫn làm một bác sĩ nhé.

Theo fan page VMU Confessions

Hoàng Kỳ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.