Vừa qua tại huyện Tân Xuyên, thành phố Đại Lý, thủ phủ Châu tự trị dân tộc Bạch, tỉnh Vân Nam có một số thôn dân ăn củ ấu tàu bị trúng độc. Sự việc làm 6 người chết, 21 người đang cấp cứu.

Theo thông tin từ truyền thông đại lục, tối ngày 8/9, tại trấn Kim Ngưu, huyện Tân Xuyên, có một thôn dân mời họ hàng và bạn bè đến nhà ăn món củ ấu tàu tàu hầm chân heo, sau khi ăn thì mọi người bị trúng độc phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng đã có 6 người chết, 21 người còn sống đang được cấp cứu.

Củ ấu tàu (hay còn gọi là củ ô đầu) là loại thuốc Đông y truyền thống của Trung Quốc, nhưng sự việc dùng món thịt hầm củ ấu tàu bị trúng độc đã từng nhiều lần xảy ra ở Vân Nam.

Vào tháng 11/2008, ở khu Công Đáp, thị trấn Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, một nhà hàng dùng củ ấu tàu hầm chế món ăn đã làm 57 người trúng độc, nhưng may mắn không ai tử vong. Một năm sau, tháng 12/2009, thị trấn Ngọc Khê lại xảy ra sự kiện trúng độc củ ấu tàu, trong 17 người cấp cứu có 2 người chết. 

Bác sĩ Trần Bân, người phụ trách bệnh viện tại thị trấn Ngọc Khê cho biết: “Người dân thị trấn Ngọc Khê có thói quen dùng củ ấu tàu tẩm bổ, vì chuyện này mà năm nào cũng xảy ra hiện tượng trúng độc”.

Theo bác sĩ Trần Bân, củ ấu tàu còn gọi là “cỏ đoạn trường”, có chất kiềm sinh vật có thể gây độc cho thận, dùng quá liều lượng sẽ trúng độc khiến mồm miệng và tứ chi tê liệt, buồn nôn…

Bác sĩ Sư Ngải Li, người phụ trách Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khu Hồng Đáp, thị trấn Ngọc Khê, vào năm 2011 đã có bài viết nói về 3 nguyên nhân khiến người dân thị trấn Ngọc Khê ăn củ ấu tàu trúng độc:

  1. Thời gian hầm quá ít, chất aconitum phân giải không hết, benzen 11 và axit axetic chưa bị thủy phân hoàn toàn để làm độc tính yếu đi;
  2. Aconitum tuy trong khi chế biến đã thủy phân tương đối hoàn toàn, nhưng aconitum và benzen 11 sau thủy phân vẫn còn độc tính, dùng quá lượng sẽ trúng độc;
  3. Do sự khác biệt của cơ thể mỗi người, thể chất khác nhau thì năng lực chịu độc tính cũng khác nhau.
Cây ô đầu, hay cây phụ tử cũng là 1 loài thực vật cực độc. Ngộ độc có thể xảy ra ngay cả sau khi chạm vào lá cây mà không đeo găng tay vì nó rất nhanh chóng và dễ dàng hấp thụ.

Củ ấu tàu là rễ củ của cây Ô đầu, tên khoa học là Aconitum fortunei, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.

Cây thường mọc hoang ở các vùng núi cao biên giới phía Bắc Việt Nam bao gồm các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghĩa Lộ

Trong dược thư Việt Nam, củ nhỏ được gọi là phụ tử, còn củ lớn được gọi là ô đầu. Phụ tử có độc tính kém hơn ô đầu.

Củ ấu tàu có độc nhưng qua kinh nghiệm chế biến khéo léo của người dân Tây Bắc đã trở thành nguyên liệu của món cháo ngon và có ích cho sức khỏe. Theo họ thì:”thông thường cháo ấu tẩu phải nấu trong nồi cơm điện từ 5 giờ chiều ngày hôm trước cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau mới được, nếu nấu bằng bếp củi thì phải ninh với thời gian lâu hơn. Phải nấu lâu như vậy là để khử độc tố có trong củ ấu. Muốn biết cháo ăn được hay chưa thì chỉ có một cách duy nhất là nếm cháo. Khoảng vài phút sau khi nếm cháo, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng, máu đông cứng lại… thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc.”

Khi du lịch ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu… du khách thường được giới thiệu có món cháo đặc sản ấu tẩu ăn vào có lợi cho sức khỏe. Ở các chợ của vùng này, củ ấu tàu cũng được bán để ai có nhu cầu thì mua về tự chế biến.

Theo NTDTV
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: