Rượu bia mang cho người uống nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc khác nhau, và nhiều người thường cho rằng, khi say rượu người ta thường nói thật. Điều này có thật sự đúng và tại sao khi say rượu người ta thường nói thật?

Người say rượu có nói thật lòng?

Sau khi uống rượu, đủ loại sắc thái có thể xảy ra, nhưng rất nhiều người trở nên cao hứng, nói ra những điều xưa nay chẳng thổ lộ với ai. Tại sao vậy?

Ly rượu được nhiều người dùng để phá vỡ rào cản tâm lý (Ảnh minh họa: Internet)

Giải thích một cách đơn giản, hành vi của đại đa số người ta bị điều khiển bởi 2 yếu tố chính là lý trí và tình cảm. Khi ở trạng thái bình thường (không bị say rượu ) thì lý trí của con người hoạt động mạnh hơn, vì lúc đó bộ não có thể suy nghĩ thấu đáo hơn, lường trước được hậu quả của lời nói của mình..) nên mỗi lời nói ra đều được suy nghĩ trước khi phát ngôn.

Nhưng khi bị say, thì lý trí của con người bị suy giảm, cơ thể ở trạng thái hưng phấn, dũng cảm, mạnh mẽ, cảm giác sợ hãi mất đi. Thay vào đó là cảm xúc, người say sẽ tự hình dung lại những chuyện vui buồn, trong quá khứ…. Lúc này lý trí cũng không thể kiểm soát được hành vi, khiến người say rượu nghĩ gì sẽ nói đó, hoặc sẽ nói ra những điều mà họ nghĩ đến nhiều nhất, hay những ấp ủ mà luôn mong muốn nói ra nhưng chưa đủ “dũng khí”.

Theo các nhà khoa học, rượu bia làm tăng hoạt động của GABA – chất ức chế và giảm hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh khiến thông tin truyền đi trong não bộ chậm hơn bình thường. Cũng có giả thuyết rằng phân tử rượu có tác dụng giống như GABA trong não, gắn lên các thụ thể GABA và ức chế các tín hiệu thần kinh truyền đi. Từ đó, gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liều lĩnh hơn.

Thần kinh người say ít nhiều bị mất kiểm soát (Ảnh: Internet)

Thường khi lượng cồn trong máu đạt từ 0,03% – 0,12%, thì người ta sẽ có một số biểu hiện trạng thái bất thường, trong đó có biểu hiện nói thật. Lý do vì lúc này thùy trước trán bắt đầu “say”, khả năng suy nghĩ, phán đoán hay nhận xét vấn đề sẽ giảm đi. Khiến người say nghĩ gì nói đấy, không còn suy nghĩ thiệt hơn, hay những hậu quả có thể xảy ra.

Chính vì vậy nhận định: khi say rượu bia người ta thường nói thật là có căn cứ. (Loại trừ các trường hợp giả vờ say, mượn rượu để giả vờ say…)

Khi say mới biết “trái tim mình thuộc về ai”

Nhiều người cho rằng, khi say mới biết mình yêu ai. Vì lúc này não bộ bắt đầu nhớ về những điều mà bản thân thường không dám đối mặt, nhưng điều mà trong tiềm thức luôn mong muốn. Có người nhờ rượu mà cảm giác mạnh mẽ hơn, mà thổ lộ những điều bấy nay “chôn kín trong lòng”. Tất nhiên, cái “yêu ai” này rất không nhất định mãi là vậy, mà có thể thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người.

Trái tim thuộc về ai? (Ảnh: Internet)

Như vây, có thể khi say người ta thường nói thật, bạn không vì thế mà bạn tin vào tất cả những lời của người say. Chúng có thể chỉ là những lời nói vô nghĩa do não bộ không thể suy nghĩ, thần kinh mất kiểm soát hoặc cũng có thể là lời nói dối của người giả say. Tránh vì những lời nói này mà ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Sau trạng thái hưng phấn (người uống thường nói thật, không kiểm soát được hành động lời nói của mình), người ta có thể rơi và trạng thái lúng túng, kích động, sững sờ, bất tỉnh… và thậm chí là tử vong. Những biểu hiện này diễn ra khá nhanh, đặc biệt nếu uống phải rượu pha cồn công nghiệp thì càng dễ ngộ độc và tử vong. Chính vì sự nguy hiểm này những người uống nhiều rượu bia thì nên có những phương pháp giải rượu, chống say cho mình. Tránh gây ra tình trạng ngộ độc rượu, ảnh hưởng đến gan và sức khỏe.

Minh Thành tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.