Nếu nói lời dối, không kể là lớn hay nhỏ, sức khỏe của bạn sẽ nhanh chóng có vấn đề – đây là kết luận cho nghiên cứu do Giáo sư Anita Kelly (trường Đại học tâm lý Notre Dame, Australia) chủ trì. Còn phần thưởng cho việc nói thật là một tinh thần và thể chất mạnh mẽ hơn.

Tại sao người ta nói dối?

Fran Walfis, một chuyên gia tâm lý và nhà sáng tác cho rằng, một người Mỹ nói dối khoảng 11 lần trong tuần, cả lớn và nhỏ. Hầu hết họ nói dối bởi vì họ đang cố gắng che đậy một cái gì đó khó chịu. Ông nói: “Mọi người rất thường xuyên nói dối để không ai nổi giận với mình”. Vào những lúc khác, chúng ta nói sai sự thật để cảm thấy tốt hơn về bản thân mình, gây ấn tượng với một ai đó, hoặc thoát khỏi sự trừng phạt hay những hậu quả tiêu cực khác.

Ấy vậy nhưng kể cả khi chưa ai phát hiện ra lời nói dối thì ‘quả báo’ vẫn đến với sức khỏe của chúng ta, có thể là khá nghiêm trọng. Một số nghiên cứu đã xác nhận điều này.

Giáo sư Đại học tâm lý Notre Dame, Anita Kelly – tác giả chính của một nghiên cứu mới về tác động của việc nói dối cho biết: Khi mọi người nói dối, họ dễ có cảm giác lo lắng hoặc buồn bã, và thường xuyên bị đau đầu, chảy nước mũi, những cơn tiêu chảy và đau lưng. Khi mọi người thay đổi cách sống của họ và bắt đầu nói thật thường xuyên hơn, họ có thể cải thiện cả sức khỏe tinh thần và thể chất.

‘Quả báo’ có thể đến khá nhanh

Nghiên cứu của Notre Dame quan sát 110 người, trong độ tuổi 18-71, trong khoảng thời gian 10 tuần. Một nửa số người tham gia đã đồng ý để cố gắng không nói dối (cả lời nói dối lớn và nhỏ) trong suốt thời gian thử nghiệm. Nửa còn lại không nhận được hướng dẫn gì đặc biệt. Đối tượng sẽ làm bài kiểm tra về nói dối hàng tuần để đánh giá số lượng và loại dối trá họ đã nói trong tuần trước đó. “Những người được hướng dẫn để hạn chế nói dối có được sức khỏe tốt hơn đáng kể so với những người trong nhóm tiếp tục nói dối“, giáo sư Kelly nói.

Nhân quả tác động đến cả sức khỏe thân và tâm (Ảnh: Internet), noi doi
Nhân quả tác động đến cả sức khỏe thân và tâm. (Ảnh: Internet)

Đội nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bắt đầu nói thật gặp ít hơn 54% vấn đề sức khỏe tâm thần (như lo lắng hay cảm giác buồn…) trong quá trình nghiên cứu, và ít hơn 56% vấn đề sức khỏe thể chất (như buồn nôn hay đau đầu…). Những người bắt đầu nói thật thường xuyên hơn cũng cho biết họ hạnh phúc hơn và các mối quan hệ xã hội thì được cải thiện.

Không có lời nói dối ‘nhỏ’ và ‘vô hại’?

Thật đáng ngạc nhiên là cả những lời nói dối nhỏ, vô hại, như nói với một người bạn rằng bạn không thể đi uống cà phê được bởi vì bạn “phải làm việc“, và những lời nói dối lớn, ví như tuyên bố thông tin sai trong một cuộc phỏng vấn việc làm, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn.

Giáo sư Kelly cho hay: “Cả lời nói dối vô hại lẫn lời nói dối nghiêm trọng đều có thể có vấn đề, bởi vì cả hai đều có thể làm cho người ấy được xem như là một kẻ nói dối. Cả hai có thể vi phạm những kỳ vọng về sự trung thực trong một mối quan hệ”. Và tất cả điều đó dẫn đến cảm giác lo lắng và tội lỗi.

Tại sao nói dối làm cho bạn bị bệnh?

Các chuyên gia giải thích rằng, bởi vì bạn biết nói dối sai lầm, làm như vậy “đi ngược lại những gì mà bạn cho làđúng“, và điều đó khiến bạn lo lắng”, Walfish nói. Những lo lắng chỉ tăng lên khi bạn cố gắng để giữ cho khỏi bị phát hiện. “Một người nói dối thì không muốn bị phát hiện. Họ muốn mọi điều qua đi”.

Reef Karim, một phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Viện Khoa học Thần kinh Semel UCLA (Mỹ) nói: “Như hậu quả của tất cả những cảm giác tội lỗi, hay lo âu và căng thẳng, bạn bắt đầu cảm thấy tầm ảnh hưởng của những lời nói dối. Chắc chắn có sự liên quan. Hệ thống miễn dịch của bạn có thể bị tổn hại bởi vì cơ thể của bạn bị stress, làm nó khó khăn hơn để chống lại cảm lạnh và cúm”.

Karim lưu ý rằng: “Đối với một số người, nó có tác dụng ngay lập tức” nhưng “Đối với một số người khác, các vấn đề về thể chất, như đau đầu, sẽ hình thành chậm”.

noi doi su that
Chân thật mang lại cho bạn cảm giác tự do và sự mạnh mẽ. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên với những trường hợp ‘nói dối thành Thần’, nói dối nhanh đến mức không hề nhận ra là mình đã nói dối để có suy nghĩ ‘ăn năn’ thì chưa thấy các nhà nghiên cứu bình luận. Trong cuộc sống, trường hợp này cũng hay gặp, vì dưới áp lực tâm lý hay muốn bảo vệ lợi ích cá nhân mà lời nói thật trở nên hiếm hoi.

Thực ra, các trường phái dưỡng sinh cổ xưa tại phương Đông đều cho rằng không nên làm điều bất Thiện với bất kỳ ai, bao gồm cả việc nói dối. Họ giảng “dưỡng sinh trước nhất cần dưỡng tính”. Với những người tu luyện thì chuyện này được xem nghiêm trọng hơn, nói dối thuộc ‘giới cấm’ nhằm ngăn chặn những hậu quả (quả báo) có thể xảy ra.

Sức mạnh của sự thật

Cùng với việc bạn cố gắng ăn uống tốt và tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe, các chuyên gia nói rằng, bạn cần phát triển những thói quen lành mạnh khi nói sự thật. “Mọi người cần phải trải nghiệm cảm giác tự do và sức mạnh bắt nguồn từ nói sự thật trong những tình huống khó khăn… [bạn] sẽ cảm thấy một sức mạnh tuyệt vời. Bạn cảm thấy bạn có thể xử lý bất cứ vấn đề gì”.

Vậy là, trung thực hoàn toàn có thể làm cho một người cảm thấy tốt hơn về thể chất lẫn tinh thần bằng cách loại bỏ đi những cảm giác tội lỗi, căng thẳng và thất vọng.

Theo www.nextavenue.org
Linh

Xem thêm: