Cây kim ngân không chỉ được biết đến là một dược thảo thuốc Nam được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn nhọt, viêm mũi dị ứng; mà còn có những điển tích cảm động lòng người được lưu truyền trong dân gian.

Truyện kể rằng, ngày xưa rất là xưa ấy, ở một vùng núi xa xôi, có một cặp vợ chồng nghèo. Họ là những người nông dân chất phác, chăm chỉ làm ăn, nhưng lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Hai vợ chồng đã đến gặp nhiều thầy thuốc, uống đủ loại thang vị, ngày đêm cầu trời khấn phật mong có được mụn con. Một thời gian sau, họ mừng không kể xiết vì người vợ có thai và sau đó hạ sinh được hai cô con gái kháu khỉnh, đặt tên cô chị là Kim Hoa, cô em là Ngân Hoa.

Hai cô càng lớn càng xinh đẹp, lại ngoan ngoãn hiếu kính với cha mẹ. Khi các cô đến tuổi cập kê, cũng có nhiều người đến hỏi cưới một trong hai. Nhưng phần vì cha mẹ thương con chưa muốn xa rời, phần vì hai cô quyết không sống chia ly, nên đã từ chối tất cả lời cầu hôn gửi đến.

Sự việc chẳng may ập đến khi hai cô đến tuổi 16, Kim Hoa đột nhiên mắc bệnh lạ, cô bắt đầu thấy sốt, đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, sau đó là phát ban mụn nhọt, rồi chuyển bọng nước và vỡ ra.

Ảnh minh họa: tienvnguyen.net

Bố mẹ cô đã mời rất nhiều thầy y đến, nhưng họ đều lắc đầu vì bệnh lạ và kê đơn thuốc cầm chừng. Người em Ngân Hoa thấy chị bị ốm đau như vậy rất thương sót, tận tình chăm sóc chị. Kim Hoa lo sợ em ở bên cạnh mà lây bệnh, luôn nhắc nhở em tránh xa, nhưng cô em nhất quyết không rời.

Ít lâu sau, cô em cũng mắc bệnh giống chị. Trước khi chết, họ có lời trăn trối cuối cùng với cha mẹ: “Chúng con chết rồi nhất định sẽ biến thành một thứ dược thảo, để cứu sống những người mắc bệnh lạ này. Chúng con xin bố mẹ tha tội chúng con đi trước, chúng con sẽ đợi bố mẹ ở thế giới bên kia, và xin cảm đội công ơn bố mẹ nuôi dưỡng”.

Hai vợ chồng nông phu đau đớn chôn cất hai người con gái chung một mộ. Sau đó, từ mộ mọc ra một loài cây thân leo. Loài cây này phát triển rất nhanh, lá xanh tốt sum suê. Khi mới ra hoa thì có màu trắng, lâu dần chuyển sang vàng. Cả hai màu trên một thân cây như hai chị em Kim Hoa và Ngân Hoa luôn sánh bước bên nhau. Đấy chính là cây kim ngân mà y học cổ truyền đang dùng làm thuốc. Hơn nữa, đúng như nguyện ước của hai chị em họ, nó là một trong những vị thuốc chữa được căn bệnh lạ (ngày nay gọi là bệnh đầu mùa) mà hai chị em xấu số mắc phải. Không những thế, qua năm tháng sử dụng, các thầy thuốc đã phát hiện ra những tác dụng ưu việt của loài cây này với những căn bệnh khác, đặc biệt là trị mụn trứng cá.

Cây Kim Ngân xanh sum suê đang ra hoa. (Ảnh: thaomocviet.vn)

Cây kim ngân là cây mọc hoang có mặt trên nhiều tỉnh thành phía bắc của nước ta như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa… Hiện nay, đã được một số nơi trồng để làm thuốc. Cây kim ngân vào mùa đông vẫn xanh tốt cho nên còn có một tên gọi khác là nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông.

Loại cây này cho ta hai vị thuốc. Một là kim ngân hoa (hoa của cây kim ngân): được thu hái khi hoa sắp nở hoặc mới nở, hoa còn màu trắng chưa chuyển vàng. Hai là kim ngân đằng (lá và cành của cây kim ngân): thường dùng cành và lá bánh tẻ. Cả hai loại đều phơi sấy khô là dùng được.

Vị thuốc kim ngân hoa. (Ảnh: anvihouse.com)

Theo những nghiên cứu về tác dụng dược lý, kim ngân có tác dụng kháng sinh. Nước sắc cô đặc của hoa kim ngân có tác dụng ức chế mạnh tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn. Năm 1990, Sở nghiên cứu Trung y dược tỉnh Giang Tây Trung Quốc có đưa ra kết luận: tính kháng sinh của kim ngân đằng là mạnh hơn so với kim ngân hoa.

Theo y học cổ truyền, kim ngân có vị ngọt, tính hàn (ngọt), không độc. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; chủ trị mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ, viêm mũi dị ứng, thấp khớp.

Kim ngân có vị ngọt, tính hàn. (Ảnh: Bảo tồn dược liệu)

Do những tính năng dược lý và tác dụng ở trên, có thể sử dụng kim ngân trong việc điều trị mụn trứng cá. Một số công thức có thể sử dụng như sau:

Dùng ngoài da: Kim ngân đằng 10g, Dạ giao đằng 10g, Cam thảo 10g. Sắc lấy nước rửa mặt sáng tối.

Dùng đường uống:

Bài 1: Dùng độc vị Kim ngân hoa 6g hoặc kim ngân đằng 12g cho 100ml nước, sắc còn 10ml. Uống nóng trong ngày, có thể sắc từ 2-4 lần/ngày.

Tuy nhiên, theo chứng bệnh của Đông y thì người bị ‘tỳ vị hư hàn’ không nên sử dụng, nghĩa là vấn đề tiêu hóa bị hư yếu: đầy bụng, khó tiêu, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong nhiều.

Ảnh: shui.org

Bài 2: Kim ngân hoa 50g, cam thảo 10g sắc nước uống trong ngày, chia 2 – 3 lần, uống trong ngày.

Một số người dùng bài 1 có thể bị đại tiện lỏng thì nên dùng sang bài này. Vị cam thảo cũng có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn tốt, hơn nữa tính ấm có thể điều hòa tính hàn (lạnh) của vị kim ngân.

Bài 3: Bài Thần hiệu thác lý tán: Kim ngân đằng 20g, Đương quy 10g, Cam thảo 10g, sắc nước uống trong ngày, chia 2 – 3 lần.

Đây là một bài thuốc chữa ung nhọt cổ xưa, sẽ giúp tiêu nhọt mưng mủ, thích hợp trong điều trị trứng cá bọc.