Bệnh dị ứng thời tiết xuất hiện bất cứ lúc nào khi thời tiết thay đổi, gây khó chịu cho người bệnh, dễ dẫn đến tình trạng da khô, bong tróc, nặng có thể gây khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột…

Những thay đổi về thời tiết từ nóng sang lạnh và ngược lại, thay đổi hướng gió, gặp mưa… là cơ hội cho những bệnh dị ứng phát triển, đặc biệt là ở những người có cơ địa dị ứng.

Theo Tây y, hiện tượng này xảy ra khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi trời chuyển lạnh, độ ẩm cao khiến da giảm tiết mồ hôi và chất bã nhờn, chất sừng của da bị mất nước, da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Ảnh hưởng của nó khiến các protein trong cơ thể biến chất, trở thành chất đối nghịch với cơ thể, khiến cơ thể phản ứng bằng cách ngứa, nổi mẩn, sẩn mề đay.

Theo Đông y cho rằng đó là do các yếu tố ngoại tà (phong hàn, phong nhiệt, phong thấp…) xâm nhập vào cơ thể, gây uất kết ở da dẫn đến tình trạng mẩn ngứa, mẩn đỏ.

Dị ứng do thời tiết thay đổi. (Ảnh: Haiku Deck)

Đối với những người có làn da mẫn cảm thì khi thời tiết chuyển lạnh rất dễ bị giãn mạch, khiến chất huyết tương của máu tràn qua thành mạch xâm nhập vào các mô gây ngứa và sưng nề. Lúc đó, cơ thể bị dị ứng sản sinh ra chất histamin gây ngứa.

Da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh đột ngột, đặc biệt là các vùng da hở như bàn tay, chân, mặt… là nơi dễ bị nổi mẩn nhất. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và gãi theo phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, càng gãi, các chấm đỏ càng lan rộng thành từng đám rồi nổi lên khắp trên da mà vẫn không thỏa mãn cơn ngứa.

Tình trạng viêm da do dị ứng thời tiết còn gọi là viêm da cơ địa hay chàm cơ địa hoặc chàm thể tạng. Đây là bệnh da mạn tính, do đó không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng, hay bị những bệnh như hen, viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng. Nếu tình trạng này xảy ra đối với bạn, hãy chú ý bổ sung những thực phẩm dưới đây:

Tỏi

Tỏi giúp ngăn ngừa và giảm các phản ứng dị ứng. (Ảnh: Follow Talks)

Trong tỏi có chất kháng sinh tự nhiên allicin có tác dụng tiêu diệt virut gây bệnh. Những chiết xuất từ tỏi có thể làm ngăn ngừa, giảm phản ứng dị ứng bằng cách ngăn chặn việc sản xuất các chất gây nên dị ứng. Có thể dùng trong bữa ăn hàng ngày hoặc chế làm rượu tỏi.

Cải xanh, cải bắp

Đây là nhóm thức phẩm chứa Quercetin, một flavonoid giúp tế bào miễn dịch làm giảm histamin qua đó giảm phản ứng mẩn ngứa nhanh nhất.

Cam, dâu tây, nước cốt chanh

Vitamin C hỗ trợ gan thanh lọc cơ thể, tăng hệ miễn dịch, tăng cường khả năng thải độc di ứng thời tiết.

Sữa chua không đường

Một số nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng probiotic trong sữa chua giúp làm giảm các chất gây dị ứng, giảm sự viêm bên trong cơ thể. Bôi lên chỗ dị ứng khoảng 10 phút rồi rửa sạch.

Chè xanh

Chè xanh tác dụng ức chế tác nhân gây dị ứng. (Ảnh: magyad.com)

Loại đồ uống thảo dược này có chứa catechin phong phú gây ức chế histamin – tác nhân gây dị ứng.

Ngoài ra bạn cố gắng không gãi nếu bị ngứa, và đi tắm nước ấm pha thêm ít dấm để cắt ngứa tạm thời, tránh cọ xát quá mạnh sẽ gây mẩn ngứa lan rộng. Có thể dùng khăn mềm hơ nóng rồi trà nhẹ vào chỗ ngứa. Dùng nước ép trái cây như cam, đu đủ, cà rốt… thành phần có trong các loại quả này như vitamin, oxy hóa tự nhiên, khoáng chất, làm tăng sức đề kháng, nhanh chóng đẩy lùi dị ứng và làm đẹp da.

Có thể sử dụng những bài thuốc Đông y để diều trị, thảo dược Đông y mang lại hiệu quả cao mà không gây tác dụng phụ, nâng cao sức khỏe, bồi bổ cơ thể.

Lưu ý: Người bị dị ứng nên hạn chế: Không nên dùng chất kích thích và chất cồn và những gia vị thường dùng như ớt, tiêu, bột cà ri, sốt mù tạt hoặc nhóm gia vị có vị cay nóng khác.

Hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ như: Mỡ động vật, trứng, bơ, sữa. Thông thường người bệnh dị ứng được khuyên uống nhiều nước lọc và nước hoa quả tươi nhưng nếu trên da có rịn nước thì phải giảm lại, các món chế biến dạng cháo, súp hay canh cũng cần hạn chế.

Lê Vân