Thời tiết đang trong thời điểm giao mùa với diễn biến thời tiết thay đổi thất thường… khiến chúng ta luôn cảm thấy mỏi mệt. Khi này hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu cộng thêm tác động từ môi trường nồm ẩm những ngày đầu xuân lại là điều kiện vô cùng thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát triển. 

1. Sởi, rubella

Đây là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp.

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, biểu hiện của bệnh gồm sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não… dễ dẫn đến tử vong.

2. Bệnh cảm cúm

Cảm cúm là dịch bệnh thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa. Ngoài những ngày đông lạnh giá thì mùa xuân cũng là một môi trường cực thuận lợi cho sự bùng phát bệnh cúm. Trong điều kiện thời tiết chuyển giao mùa cơ thể chúng ta phản ứng không kịp, sức đề kháng yếu, đồng thời khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho vi-rút cúm phát triển và xâm nhập. Bệnh này thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi/đờm của người bị bệnh.

Bệnh cảm cúm nặng thường có triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ… . (Ảnh: amazon.com)

3. Bệnh viêm đường hô hấp

Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu lạnh đột ngột là thời điểm thích hợp cho các loại vi-rút hợp bào phát triển dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng ăn uống chúng.

Viêm đường hô hấp thường có biểu hiện như sốt cao, đau họng khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, lạnh toàn thân, tiêu chảy nhẹ… Bạn thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi, những đối tượng có sức đề kháng kém.

4.Trứng cá

Độ ẩm không khí cao trong mùa xuân là điều kiện tốt cho vi khuẩn phát triển mạnh cùng với da mặt luôn ẩm ướt tạo thuận lợi để các chất bã nhờn bít tắc lỗ chân lông gây các mụn bọc, mụn mủ. Các chất kích thích như rượu, bia, đồ ăn cay, nóng… được sử dụng nhiều trong thời gian này cũng làm cho mụn mọc nhiều hơn.

5. Viêm mũi dị ứng

Bệnh này thường rất hay gặp vào mùa xuân ở những người có cơ  địa dị ứng. Nguyên nhân do mùa xuân, phấn hoa phát tán khá nhiều trong không khí. Bệnh nhân phát bệnh thấy mũi ngứa, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi rất khó chịu.

Bảo vệ cơ thể khi thời tiết chuyển mùa

Hạn chế chất kích thích

Trong giai đoạn chuyển mùa, hãy bỏ thói quen uống rượu, hạn chế cà phê và các chất gây kích thích khác vì chúng có thể làm giảm sức đề kháng và gây mất ngủ.

Thời tiết khi giao mùa cũng có thể gây co thắt mạch máu, tạo nên các cục máu đông. Vì thế nếu bạn có vấn đề về tim mạch, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa các tình huống xấu, đồng thời thường xuyên kiểm tra huyết áp của mình.

Ngủ thêm một chút

Giấc ngủ giúp con người thư giãn tất cả các cơ trên cơ thể và tránh được nhiều căng thẳng do thời tiết giao mùa đem lại như: đau đầu, bức bối, khó chịu…

Đặc biệt phụ nữ mang thai cần phải ngủ và hoạt động nhẹ nhàng để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cảm cúm sẽ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi, tránh được một số khuyết tật bẩm sinh.

Vận động ngoài trời

Ảnh: baotintuc.vn

Khi tiết trời mát mẻ, ấm áp, bạn hãy dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, di chuyển và tập thể dục hay chơi các môn thể thao phù hợp để tăng cường hệ miễn dịch, đẩy lùi stress, giúp ăn uống ngon miệng và có giấc ngủ sâu. Vận động ngoài trời không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, tránh nguy cơ lây bệnh mà còn thuyên giảm tình trạng của bệnh hen suyễn và dị ứng.

Ăn nhiều loại quả chứa vitamin C

Các loại quả tươi như cam, chanh đều  chứa rất nhiều vitamin C, có tác dụng chống lại hoạt tính của histamin, một chất gây dị ứng mạnh, giảm được hiện tượng mề đay, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, vitamin C trong cam, chanh còn tiêu diệt virus trong màng dịch nhầy ở mũi và ở cổ họng.

Minh Nguyên