Rau hẹ còn có nhiều tên gọi khác như cửu thái, phi tử, nén tàu… thuộc loại cây thân thảo, có chiều cao khoảng 20-45 cm, giàu dược tính và tinh dầu do đó nó có mùi thơm đặc biệt. Rau hẹ hay được dùng làm gia vị cho các món ăn đồng thời còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Cây rau hẹ có tên khoa học là Allium odorumodorum L, thuộc họ Hành tỏi Alliaceae. Hẹ rất dễ trồng và ít phải chăm sóc. Chỉ cần trồng bằng cây con một lần, là có thể thu hoạch nhiều lần. Cây phát triển tốt quanh năm, vừa có thể làm rau ăn, vừa có thể dùng làm thuốc những khi cần thiết. Cây hẹ cho ta hai vị thuốc gồm: cử thái (là toàn cây hẹ cả lá và rễ), cửu thái tử (hạt hẹ).

Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư Đỗ Tất Lợi đã viết trong lá và rễ chứa sunfua, saponin; củ hẹ chứa odorin có tính kháng sinh với Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng).

Hẹ cũng là một loại kháng sinh tự nhiên. (Ảnh: Myeva)

Theo sách Y học thực hành, năm 1961, phòng Đông y thực nghiệm phòng Viện vi trùng đã đưa ra báo cáo: nước ép tươi của hẹ có tính chất kháng sinh cao đối với nhiều loại vi trùng như Staphylococcus (Tụ cầu), Salmonella typhi (vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn), Sh.Flexneri (vi khuẩn gây bệnh lỵ trực khuẩn).

Đông y cho rằng, hẹ có vị cay, ngọt, tính ôn, quy vào hai kinh can, thận. Có tác dụng bổ can thận; làm ấm lưng gối, dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, tiểu són, mộng tinh, bạch trọc… 

Một số tác dụng chữa bệnh của cây hẹ

  • Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hoặc đường phèn hấp chín ăn, dùng trong 5 ngày. Đối với trẻ em ho do cảm lạnh: Lấy lá hẹ xắt nhỏ trộn với đường phèn, sau đưa chén vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê, dùng từ 5 – 7 ngày.
  • Chữa đau nhức răng: Lấy một nắm hẹ (cả rễ), rửa sạch, giã nhuyễn đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
  • Nhuận tràng, trị táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ, mỗi lần uống 5g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần, dùng liền 10 ngày.
Hạt hẹ có tác dụng nhuận tràng. (Ảnh: Growing With Science Blog)
  • Chữa chứng đái dầm ở trẻ em: Gạo 50g nấu cháo, khi cháo sôi lấy 25g rễ hẹ vắt lấy nước cho vào, ăn nóng trong 10 ngày.
  • Món ăn bổ mắt: Rau hẹ 150g, gan dê 150g, gan dê thái mỏng, ướp gia vị xào với rau hẹ. Khi xào dùng lửa to, lúc chín cho gia vị vừa đủ, ăn với cơm, cách ngày ăn một lần, 10 ngày một liệu trình.
  • Hỗ trợ điều trị xuất tinh sớm: Rau hẹ 200g, tôm nõn 200g, xào ăn với cơm.
  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Hàng ngày sử dụng từ 100-200g rau hẹ, nấu cháo, nấu canh hoặc xào ăn. Không dùng muối hoặc chỉ dùng một chút muối khi chế biến món ăn. Hoặc dùng củ rễ hẹ 150g, thịt sò 100g, nấu canh ăn. Có tác dụng tốt đối với bệnh đái tháo đường đã mắc lâu ngày, cơ thể đã suy nhược.
  • Chữa đau lưng, gối mỏi, ăn uống kém: Hạt hẹ 20g, gạo 100g, nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần, dùng trong khoảng 10 ngày.

Trên đây là một số bài thuốc từ cây hẹ mà bạn có thể áp dụng nếu cần. Tuy nhiên những người âm hư hoả vượng (hay bốc nóng lên đầu, đau đầu, khó ngủ, miệng khô…) thì không nên dùng.

Mộc Chi