Sáng ngày 12/11, kết quả từ hệ thống quan trắc không khí PAMAir ghi nhận, nhiều điểm ở TP. Hà Nội ô nhiễm lên tới ngưỡng nguy hại – mức cao nhất trong bậc thang ô nhiễm không khí.

Báo VnExpress thông tin, tính đến 5h sáng ngày 12/11, tại điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận, chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng nâu theo các tính chỉ số AQI của Mỹ và ngưỡng nguy hại theo cách tính AQI của Việt Nam. Tính đến 7h, chỉ số AQI tại điểm đo nêu trên vẫn trên ngưỡng 300 và chỉ xuống 270 lúc 8h.

Trong bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số trên 300 có cảnh báo nguy hại, tương đương với mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Toàn bộ dân số trong khu vực điểm đo bị ảnh hưởng sức khỏe tới mức nghiêm trọng. 

Hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận, ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng vào sáng ngày 12/11 khi đo tại điểm Minh Khai (Bắc Từ Liêm) lúc 8h có chỉ số AQI 213; điểm đo trên đường Phạm Văn Đồng 201; điểm đo tại Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy) là 201.

Tất cả các điểm đo khác được Tổng cục Môi trường thông báo, đều ghi nhận chỉ số AQI ở mức trên 170, nhiều điểm đo duy trì tình trạng tiệm cận 200 trong nhiều giờ.

Ô nhiễm không khí lên ngưỡng nâu, ngưỡng tím khắp Hà Nội sáng ngày 12/11 theo ghi nhận của Hệ thống quan trắc PAMAir (ảnh: Tiền Phong).

Từ 6h đến 7h, hệ thống PAMAir cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức cao, điểm đo Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm) 327; điểm đo Đê La Thành (Đống Đa) 326; điểm đo Học viện Tài Chính (Bắc Từ Liêm) là 306.

Lúc 9h, hệ thống đo của Airvisual ghi nhận chỉ số AQI tại khu vực Hồ Tây là 317; tại GreenID (Cầu Giấy) là 245; tại Hàng Đậu 211. 

Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cho biết, trong nhiều năm nghiên cứu về chất lượng không khí, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến chỉ số ô nhiễm cao như vậy.

Báo Tiền Phong cho biết, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ bao gồm cả điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Hồng Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.

Như vậy, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với xu hướng ô nhiễm tăng dần lên, từ ngưỡng đỏ, qua ngưỡng tím, lên ngưỡng nguy hại.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người thế nào?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí sáng ngày 12/11 tại Hà Nội đã lên ngưỡng nguy hại, nghiêm trọng hơn 4 đợt ô nhiễm không khí vừa qua (ảnh: VTV News).

Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối.

Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.

Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc… Các hạt bụi mịn và siêu mịn – một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.

Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người đang ngày càng được quan tâm khi các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa một số bệnh nghiêm trọng giữa các nhóm tuổi khác nhau và ô nhiễm không khí. Chẳng hạn như:

  • Biến chứng thần kinh và tâm lý;
  • Kích ứng mắt;
  • Các bệnh ngoài da;
  • Các bệnh mãn tính lâu dài như tiểu đường, ung thư…
  • Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, khiến bé bị sinh non, sinh nhẹ cân.

Về lâu dài chúng ta phải tìm các biện pháp bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu ít độc hại… Tuy nhiên trong thời gian đỉnh điểm này, khuyến cáo mọi người hạn chế ra đường nhất là vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, nếu ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5.