Y học hiện đại dù đã rất phát triển nhưng vẫn chưa tìm được công thức nhân tạo thay thế cho máu, các bác sĩ cần đến sự trợ giúp của người hiến máu nhân đạo. Mỗi khi hiến máu, bạn có cơ hội tham gia cùng với bác sĩ để cứu sống 3 người. Ngoài ra, bản thân người hiến máu cũng thu được nhiều lợi ích khác nữa.

Máu trong cơ thể người có chức năng cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Có thể nói, máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta, giúp duy trì sự sống. Bởi vậy, khi điều trị một người có nguy cơ mất máu cao hoặc điều trị các bệnh hiểm nghèo, mổ cấp cứu… truyền máu là điều các bác sĩ thường xuyên phải tính đến.

Là người hiến máu, bạn sẽ thu về được nhiều lợi ích bất ngờ đấy.

Niềm vui khi được cứu sống người khác

Ảnh: xahoithongtin.com.vn

Mỗi người đi hiến máu đều tìm thấy cho mình những niềm vui và ý nghĩa riêng, nhưng tựu trung lại, điểm chung ở họ chính là tâm hồn cao đẹp, biết yêu thương và san sẻ với cộng đồng.

Đó là cảm giác tuyệt vời khi bạn có thể hỗ trợ các bác sĩ cứu sống người khác. Máu người thứ không có sản phẩm thay thế. Mỗi khi hiến máu, bạn có thể giúp đỡ 3-4 người trưởng thành hoặc nhiều hơn với trẻ sơ sinh bởi chúng cần lượng máu nhỏ hơn. Máu bạn hiến tặng sẽ được chia thành các thành phần khác nhau. Mỗi thành phần có thể được sử dụng bởi người nhận khác nhau cho các mục đích khác nhau.

Bạn đã trở thành một người hùng một khi bạn cho đi máu của mình.

Kiểm tra sức khỏe miễn phí

Ảnh: thesaurus.com

Hiến máu là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của mình. Người tham gia hiến máu được khám và tư vấn sức khoẻ miễn phí để đảm bảo bạn đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch. Bạn chỉ có thể hiến máu nếu đạt đủ yêu cầu về sức khỏe.

Hơn nữa, sau khi hiến máu, máu của bạn sẽ được sàng lọc, kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét… Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh tật.virus viêm gan B, viêm gan C, HIV, sốt rét, giang mai… Vì vậy, bạn sẽ biết sớm hơn nguy cơ mắc các bệnh của mình.

Hiến máu giúp giảm nguy cơ ung thư

Lượng sắt quá cao đã được chứng minh là liên quan đến ung thư. Về mặt lý thuyết, hiến máu thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ ung thư. Nghiên cứu gần đây đã tìm ra những bằng chứng thuyết phục để chứng tỏ điều này.

Hiến máu làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ảnh: Soha.vn

Mặc dù sắt là yếu tố cần thiết cho sự hoạt động tốt của cơ thể nhưng lượng sắt cao quá mức có thể dẫn đến tổn thương oxy hóa. Tổn thương oxy hóa là thủ phạm chính dẫn đến lão hóa nhanh, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Một nghiên cứu tại Đại học Florida (Mỹ) cho biết, khi hiến máu, sắt được loại bỏ nên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do sắt làm tăng quá trình ôxy hóa cholesterol, một yếu tố nguy cơ cao hây ảnh hưởng đến các mạch máu và cuối cùng là dẫn đến bệnh tim mạch. Người thường xuyên hiến máu trong nhiều năm có thể giảm được 88% các cơn đau tim và 33% bệnh tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ.

Hiến máu thường xuyên sẽ giúp duy trì lượng sắt trong cơ thể, tránh nguy cơ thừa sắt, đặc biệt là ở nam giới. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hiến máu giúp tăng sức đề kháng

Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật.Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên đi hiến máu sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, gan, phổi, ruột, dạ dày, ung thư.

Được cấp giấy chứng nhận hiến máu

Giấy chứng nhận hiến máu ngoài giá trị tôn vinh về mặt tinh thần còn có giá trị bồi hoàn máu cho người hiến máu. Số lượng máu được bồi hoàn tối đa bằng tổng lượng máu người nhận máu đã hiến (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu). Giấy chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu. Giấy chứng nhận hiến máu này chỉ có giá trị đối với chính người hiến máu, không sử dụng được cho bạn bè, người thân.

BS. Thu Trang