Để hỗ trợ các bà mẹ trong thời điểm sinh nở, các loại thuốc giảm đau hiện nay được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên chúng ta biết những gì về việc giảm đau khi chuyển dạ và trong khi sinh có những lợi và hại như thế nào.

Dưới đây là một số điều cần biết khi cần lựa chọn cách giảm đau trong chuyển dạ và sinh nở.

1. Các loại thuốc dùng để giảm đau trong chuyển dạ và khi sinh.

Thuốc gây tê: Làm mất hết cả cảm giác đau và các cảm giác khác. 

Thuốc giảm cảm giác đau (gọi tắt là thuốc giảm đau): Giúp làm giảm mức độ đau nhưng không làm mất cảm giác và cử động cơ. 

2. Các cách giảm đau và gây tê 

Gây tê tại chỗ

Đây là việc dùng thuốc giảm đau ở một vùng nhỏ của cơ thể. Thuốc sẽ được chích vào vùng xung quanh vết thương. Thuốc thường được sử dụng khi cắt may tầng sinh môn trong sinh thường.

Tác dụng phụ của thuốc gây tê tại chỗ thường ít.Tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra như phản ứng dị ứng hoặc có tác dụng phụ lên tim hoặc thần kinh. Phương thức giảm đau này hiếm khi ảnh hưởng tới em bé.

Gây tê vùng

Cách này thường được dùng để làm giảm hoặc làm mất cảm giảm đau từ thắt lưng trở xuống bao gồm: gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống hoặc kết hợp giữa gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống.

Các thuốc được sử dụng bao gồm thuốc tê có thể kèm theo thuốc giảm đau nhóm opioid. Cách sử dụng là chích một liều duy nhất hoặc là truyền thuốc từ từ qua một đường ống đặt ở thắt lưng.

Ảnh: Gonhub

a) Giảm đau ngoài màng cứng

Đây là phương pháp được lựa chọn dùng nhiều nhất. Phương pháp này được sử dụng bằng cách tiêm thuốc dần dần qua một đường ống được đặt ở vị trí cột sống thắt lưng, và thường được tiến hành ở giai đoạn chuyển dạ hoạt động (cổ tử cung mở 3cm trở lên).

Đối với sinh thường, thuốc được dùng là cả thuốc giảm đau và thuốc gây tê, khi đó sản phụ sẽ thấy giảm cảm giác đau từ phía thắt lưng trở xuống, và bạn vẫn ở trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên bạn vẫn còn cảm giác muốn rặn khi em bé đi xuống sâu vào trong âm đạo.

Đối với sinh mổ thì liều thuốc được sử dụng sẽ tăng lên và bạn cũng sẽ mất hết cảm giác từ vùng thắt lưng trở xuống.

Theo dõi sau gây tê ngoài màng cứng: Sau khi được tiến hành gây tê xong, bạn vẫn có thể lăn trở nhưng không thể đứng dậy đi lại. Khi đó bạn sẽ thấy thoải mái nhưng bạn vẫn phải cảm nhận được cơn co tử cung và cảm nhận được khi được khám âm đạo.

Tác dụng phụ của thuốc gây tê ngoài màng cứng: Khi sử dụng opioid thì thường gây ngứa, các tác dụng phụ hiếm gặp hơn như buồn nôn, nôn, và bất thường nhịp thở.

Các nguy cơ có thể gặp của phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Cũng giống như giảm đau đường toàn thân, gây tê ngoài màng cứng cũng có thể có nguy cơ làm em bé bị thay đổi nhịp tim, thay đổi nhịp thở, thẫn thờ, giảm trương lực cơ, và làm giảm khả năng bú, đây là tác những tác dụng ngắn hạn.

Những tác dụng phụ hiếm gặp hơn đối với mẹ có thể xảy ra như:

  • Tụt huyết áp
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Đau vùng lưng ở vị trí đâm kim

Các biến chứng nặng hiếm gặp có thể xảy ra bao gồm

  • Tổn thương thần kinh, tủy sống
  • Khó thở nếu thuốc tê tác động lên cơ hô hấp.
  • Cảm giác tê bì, cảm giác đau nhói, nhịp tim nhanh nếu tiêm nhầm vào tĩnh mạch.

b) Gây tê tủy sống

Gây tê tủy sống cũng giống như gây tê ngoài màng cứng đều là phương pháp gây tê vùng. Thuốc được chích một liều duy nhất vào dịch não tủy bao quanh tủy sống gây tác dụng giảm đau nhanh nhưng chỉ có tác dụng kéo dài trong khoảng 2 giờ. Phương pháp này thường được sử dụng khi mổ sinh.

Phương pháp này cũng có các biến chứng và tác dụng ph giống như gây tê ngoài màng cứng.

c) Gây tê ngoài màng cứng kết hợp với tê tủy sống

Đây cũng là một phương pháp gây tê vùng, nó bao gồm lợi điểm của cả gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng. Phần gây tê tủy sống sẽ có tác dụng nhanh, trong khi phần gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau liên tục với liều lượng thuốc thấp hơn nhưng vẫn đạt được hiệu quả giảm đau tương đương với sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng độc lập. Phương pháp này cũng có tác dụng phụ và biến chứng như gây tê ngoài màng cứng.

d) Gây mê

Phương pháp này chỉ được sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Thuốc sẽ được tiêm vào tĩnh mạch hoặc được hít qua mặt nạ, sau khi bạn ngủ thì Bác sĩ gây mê sẽ đặt một ống nhựa qua miệng vào khí quản của bạn.

Đối với phương pháp này sản phụ sẽ được ngủ và không cảm thấy đau nhưng có nguy cơ phải đối mặt với biến chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng đó là hít phải thức ăn hoặc dịch dạ dày vào phổi. Khi gây mê nếu trong dạ dày của sản phụ còn thức ăn chưa được tiêu hóa, thì chúng có thể trào lên và đi vào phổi khi sản phụ vẫn đang ở trong trạng thái gây mê. Điều này có thể gây viêm phổi nghiêm trọng.

Gây mê cần phải đặt một ống vào trong khí quản, đôi khi cũng không dễ tiến hành. Phương pháp này cũng có thể làm giảm nhịp thở của em bé, làm em bé ít tỉnh táo hơn, trong một số trường hợp hiếm em bé cần phải hỗ trợ hô hấp sau sinh.

Tổng hợp