Nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu là một yêu cầu thường được đưa ra khi bạn muốn làm các xét nghiệm máu. Nhưng có phải hễ xét nghiệm máu đều cần phải nhịn ăn, liệu việc nhịn ăn có an toàn? Thực tế bạn có thể chưa hiểu rõ vấn đề này.

Câu trả lời là không phải lúc nào bạn cũng cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu và nếu có thì cũng chỉ cần nhịn ăn trong một khoảng thời gian.

Mặc dù vậy, ý nghĩ không được ăn hoặc uống, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nghe cũng có vẻ không mấy dễ chịu. Thực ra nếu hiểu khi nào cần nhịn ăn và nhịn ăn thế nào cho đúng cách, bạn sẽ thấy câu chuyện thật đơn giản.

Khi nào cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu?

Việc nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm phụ thuộc vào loại xét nghiệm máu mà bạn định làm. Một số xét nghiệm máu yêu cầu nhịn ăn, trong khi một số khác thì không.

Ảnh: petsonic.spb.ru

Các loại xét nghiệm máu cần nhịn ăn:

1. Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Xét nghiệm đường huyết lúc đói sẽ đo lượng đường trong máu để xem liệu nó có bình thường không. Đây là xét nghiệm có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường. Việc nhịn ăn giúp đảm bảo rằng xét nghiệm máu sẽ ghi nhận chính xác lượng đường trong máu khi đói.

Điều quan trọng trong xét nghiệm này là bạn không được ăn hoặc uống bất kì thứ gì khác ngoài nước từ 8 – 10 giờ trước khi làm xét nghiệm. Kết quả thu được sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh tiểu đường.

2. Xét nghiệm sắt trong máu

Xét nghiệm này đo lượng sắt trong máu giúp xác định các bệnh do thiếu sắt, chẳng hạn như thiếu máu thiếu sắt. Sắt có trong một số loại thực phẩm và được hấp thu rất nhanh từ thực phẩm vào máu, do đó nếu ăn trước khi xét nghiệm sắt, kết quả có thể cao hơn chỉ số chính xác lượng sắt trong máu.

Để đảm bảo kết quả chính xác, bệnh nhân được yêu cầu không ăn bất cứ thứ gì vào buổi sáng làm xét nghiệm. Một số người có thể uống viên sắt hoặc viên đa vitamin (multivitamin) chứa sắt. Những thứ này cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả. Nếu bạn thường xuyên sử dụng các chế phẩm bổ sung này, thì không nên dùng trong vòng 24 giờ trước khi thử máu.

3. Xét nghiệm mỡ máu

Ảnh: kienthuc.net.vn

Các xét nghiệm cholesterol máu, còn được gọi là bộ mỡ máu, đánh giá lượng mỡ trong máu. Cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ của một số bệnh tim mạch, gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ. Các loại mỡ máu khác nhau được kiểm tra bao gồm: Cholesterol HDL (hay cholesterol “tốt”), Cholesterol LDL (hay cholesterol “xấu”), Triglycerides.

Lượng mỡ máu này sẽ tăng lên nếu trước đó bạn vừa mới ăn. Vì vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn từ 8 – 12 giờ trước khi làm xét nghiệm để có thông số chính xác về mỡ máu. Những người sắp làm những xét nghiệm này cũng không nên uống rượu trong 24 giờ trước khi xét nghiệm. Một số hướng dẫn gần đây cho rằng có thể không cần nhịn ăn trước khi làm các xét nghiệm Cholesterol và Triglyceride. Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem những hướng dẫn mới này có áp dụng được cho bạn hay không.

4. Xét nghiệm GGT (Gamma-glutamyl transferase)

GGT là một men trong gan giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả. Sau ăn chỉ số GGT không bị ảnh hưởng nhưng uống rượu và hút thuốc thì có thể ảnh hưởng. Do đó, những người sắp làm xét nghiệm này được yêu cầu không uống rượu hoặc hút thuốc lá trong 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.

Kiểm tra men gan GGT. (Ảnh: CafeF)

Các xét nghiệm máu khác có thể được yêu cầu nhịn ăn:

• Xét nghiệm chức năng thận: các xét nghiệm để xem thận hoạt động như thế nào. Thông thường, bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn từ 8 – 12 giờ trước khi xét nghiệm.

• Xét nghiệm Vitamin B12: thông thường bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn từ 6 – 8 giờ trước khi xét nghiệm. Họ cũng phải cho bác sĩ biết mình đang dùng những thuốc gì, vì một số loại thuốc có thể gây trở ngại cho xét nghiệm này.

Những điều cần tránh khi nhịn ăn:

Cần tránh rượu bia, thuốc lá.. trước khi làm xét nghiệm. (Ảnh: saludabit.es)

• Rượu: Rượu có thể ảnh hưởng đến đường huyết và mỡ máu, khiến kết quả của những xét nghiệm cần nhịn ăn trở nên không chính xác. Nếu được yêu cầu nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu, bạn nên kiêng uống rượu.

• Hút thuốc lá: Thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Nếu được yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm thì bạn cũng nên tránh hút thuốc lá.

• Cà phê: Cà phê ảnh hưởng đến tiêu hóa và cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Do đó không nên uống cà phê trước khi làm những xét nghiệm máu cần nhịn ăn.

• Kẹo cao su: Nên tránh nhai kẹo cao su, kể cả loại không đường khi nhịn ăn để làm xét nghiệm. Lý do là việc nhai kẹo cao su có thể làm tăng tốc độ tiêu hóa, có thể ảnh hưởng đến kết quả.

• Tập thể dục: Tập thể dục cũng có thể đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, cơ thể có thể mệt mỏi và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, vì vậy nên tránh tập thể dục trong thời gian nhịn ăn để làm xét nghiệm.

Làm thế nào để nhịn ăn một cách an toàn?

Bạn nhịn ăn nhưng đừng nhịn uống. (Ảnh: Anlanh.net)

Có một số điều bạn nên biết để tinh thần thoải mái hơn khi nhịn ăn để xét nghiệm máu.

• Nước: Nên uống nhiều nước khi nhịn ăn để giữ cho cơ thể đủ nước. Nước không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu và được chấp nhận khi phải nhịn ăn.

• Thời gian: Dù phải nhịn ăn 8 – 12 giờ, bạn nên biết thời gian tốt nhất mà bạn có thể ăn hoặc uống trước khi xét nghiệm. Ví dụ: nếu một người được yêu cầu nhịn ăn trong 12 giờ trước khi tiến hành làm xét nghiệm máu vào lúc 9 giờ sáng thì họ không nên ăn bất cứ thứ gì sau 9 giờ tối hôm trước.

• Thuốc: Bạn có thể tiếp tục dùng thuốc như bình thường trong thời gian nhịn ăn. Tuy nhiên khi đi làm xét nghiệm nên báo với bác sĩ những loại thuốc bạn đang dùng để có lời khuyên chính xác từ bác sĩ đối với các xét nghiệm được chỉ định.

• Mang thai: Việc nhịn ăn để làm xét nghiệm thường là an toàn cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nên nói với bác sĩ trước khi làm xét nghiệm để có lời khuyên về cách tốt nhất để nhịn ăn một cách an toàn.

Nếu bạn lỡ ăn hoặc uống gì đó trong thời gian cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm do quá đói hoặc do nhầm giờ, thì hãy nói chuyện với bác sĩ và dời lịch hẹn xét nghiệm máu.

Kết quả xét nghiệm của bạn nếu không chính xác có thể khiến bạn nhận được chẩn đoán không chính xác, dẫn đến những hậu quả không tốt về sức khoẻ. Đó là lý do tại sao việc thực hiện đúng lời dặn của bác sĩ về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu là rất quan trọng.

BS.Thu Trang