Các chuyên gia y tế khuyến cáo bạn cần giặt sạch tất cả quần áo mới mua trước khi mặc để loại bỏ tối đa những hóa chất độc hại và các mầm bệnh nguy hiểm, đặc biệt là với hàng Trung Quốc, ‘made in China’.

Nhiễm hóa chất độc hại là chuyện… thường tình

Theo tờ Huffingtonpost, thuốc nhuộm và hóa chất sử dụng trên một số quần áo có thể gây kích ứng cho những người có làn da nhạy cảm.

Bác sĩ Bordone cho biết, formaldehyde resin được dùng để ngăn ngừa nấm mốc và chống nhăn cho quần áo có thể dẫn đến phát ban. Ngoài ra nó còn có thể gây ung thư. Nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ phát hiện ra rằng một số loại vải được bán tại Mỹ vượt quá mức cho phép của các hóa chất này.

Ngoài các hóa chất trên thì còn có xút ăn da, axit sulfuric, brom, nhựa ure, các sulfonamide, các halogen đều là những hóa chất độc hại có thể lưu lại trên quần áo sau quá trình sản xuất.

Mầm bệnh đáng sợ trên quần áo chưa giặt

Bác sĩ, tiến sĩ Philip Tierno, trưởng khoa miễn dịch và vi sinh học tại Đại học New York đã làm một thử nghiệm thú vị và vén mở những gì ẩn náu trong quần áo mới.

Dị ứng với formaldehyde trên quân áo mới (Ảnh: Internet)
Dị ứng với formaldehyde trên quân áo mới (Ảnh: Internet)

TS. Tierno kiểm tra quần dài, áo cánh, quần áo lót, áo vest, và các loại quần áo khác mua từ chuỗi các cửa hàng (bao gồm cả giá cao và giá thấp).

Các chỉ tiêu được xem đến là:

  • Chất tiết đường hô hấp
  • Hệ vi khuẩn của da
  • Hệ vi khuẩn từ phân
  • Nấm men

Kết quả thu được thật bất ngờ và TS Tierno nói với tờ ABC News rằng:

Một số quần áo bị nhiễm các sinh vật… cho thấy rằng một hoặc nhiều người đã thử mặc thử… hay ai đó bị nhiễm nhiều mầm bệnh đã thử”.

Những sinh vật trên quần áo có thể gây viêm gan A, tiêu chảy, nhiễm virus, nhiễm salmonella, nhiễm tụ cầu, liên cầu; ngoài ra chấy và rận cũng có thể lây qua con đường đó.

Made in China… lại càng phải giặt kỹ

Tại bất cứ đất nước nào trên thế giới, người ta đều choáng ngợp trước sự xuất hiện của các mặt hàng dệt may xuất xứ Trung Quốc (Made in China). Chúng được bày bán tràn lan trên khắp thị trường, kiểu cách mẫu mã bắt mắt và giá rẻ đến bất ngờ nhưng chất lượng thì thật sự phải dè chừng.

Do sự cạnh tranh khốc liệt về giá, các nhà sản xuất chẳng còn ngân sách và thời gian để quan tâm nhiều đến chất lượng. Một số khảo sát của Mỹ trong vài năm qua đã phát hiện ít nhất 5 chất độc hại trên quần áo Trung Quốc, bao gồm:

  • Chì,
  • NPEs (nonylphenol ethoxylates hay nonylphenols),
  • Phthalates,
  • PFCs (perflourinated và hóa chất polyflourinated),
  • Formaldehyde (hay còn gọi là phoóc môn)

Trong đó, mỗi thứ có một kiểu tác hại, nhưng gom chung lại thì là ung thư, rối loạn nội tiết, độc thần kinh, suy giảm miễn dịch, viêm dị ứng, ảnh hưởng sinh sản…

Nhưng chưa hết, người ta còn phát hiện ra một điều kinh hoàng liên quan đến rất nhiều lô hàng đến từ Trung Quốc, liên quan đến máu, nước mắt… thậm chí là tính mạng của những người trực tiếp làm nên các sản phẩm này…

Lá thư kêu cứu tiết lộ hệ thống trại lao động khổ sai khổng lồ

Chuyện chính quyền Trung Quốc lợi dụng sức lao động của các tù nhân thì người ta đã ít nhiều có nghe nói đến nhưng tất cả đều không thể hình dung nổi mức độ tàn khốc trong đó. Tình hình trở nên khủng khiếp hơn gấp bội sau tháng 7/1999, thời điểm mà Giang Trạch Dân hạ lệnh đàn áp những người tu luyện Pháp Luân Công. Người chứng kiến lúc bấy giờ tả lại cảnh hàng đoàn hàng đoàn tàu nối nhau trong đêm chở những người tu luyện Pháp Luân Công như chở gia súc đến các trại lao động cưỡng bức tập trung.

Trên khắp Trung Quốc có hàng trăm nhà tù và vô số các trại lao động như thế. Những tù nhân trong đó, cho dù đã kết án hay không, đều bị vắt kiệt sức lực để trở thành nguồn lao động giá rẻ – nếu không muốn nói là lao động không công.

Ví dụ như nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh, tiền thưởng cho các lính canh gắn liền với sản lượng. Do vậy, các lính canh trong từng khu giam giữ đều tìm cách khiến tù nhân làm việc và làm việc nhiều hơn nữa. Họ phải lao động từ 14-15 tiếng mỗi ngày, thậm chí là 18-20 tiếng mỗi ngày nếu đó là sản phẩm gấp. Sẽ có chỉ tiêu cho từng người: Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị cấm ăn, cấm ngủ, cấm dùng nhà vệ sinh, thậm chí còn bị đánh đập và đối xử bạo tàn.

Cảnh sát tra tấn tù nhân (Ảnh: ĐKN)
Cảnh sát tra tấn tù nhân (Ảnh: ĐKN)

Một phòng giam chứa chừng 10 tù nhân rộng 15 m² hoặc cũng có thể 30 – 40 người /28 m². Mỗi phòng gồm cả phòng tắm, vệ sinh, là nơi ăn, ngủ và làm việc. Điều kiện làm việc ô nhiễm kinh khủng. Không mang dụng cụ bảo hộ, bàn tay của người lao động đã bị nhuộm màu với thuốc nhuộm nhưng cả ngày họ không được phép rửa tay và sớm bị nấm ngứa hay lở loét. Nhiều người thường xuyên bị đánh đập, tra tấn, hay bệnh tật do làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt… và hiển nhiên là những thứ đó sẽ lây nhiễm sang các sản phẩm mới.

Cô Vương Xuân Anh, một tù nhân trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia kể lại:

“Không giống như các tù nhân thông thường, các học viên Pháp Luân Công không có nhà xưởng để đến lao động cưỡng bức. Thay vào đó, căn phòng mà chúng tôi bị giam giữ được sử dụng làm phòng ngủ, nhà xưởng và nhà kho. Chúng tôi bị ép buộc làm các bó hoa nhựa để xuất khẩu. Keo được sử dụng trong quá trình này có độc tố cao. Chúng tôi bị bắt xếp hàng ở hai bên các thùng giấy và liên tục làm việc”.

“Các sản phẩm được cất giữ ở góc phòng. Không khí trong phòng chứa đầy hơi độc của keo. Nhiều người trong chúng tôi bị dị ứng với keo độc hại. Hậu quả là, da của một số học viên xuất hiện các nốt thâm. Tôi bị ho nặng và thậm chí thường xuyên ho ra máu.”

Câu chuyện kể trên của cô Vương chỉ là một trong vô số những tù nhân lao động khổ sai trên khắp Trung Quốc. Những sự tình như thế, tất nhiên, luôn bị chính quyền giấu kín. Mọi chuyện chỉ được hé lộ cho đến khi một bức thư cầu cứu tìm đường ra hải ngoại.

Lá thư cầu cứu của một học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong trại lao động Mã Tam Gia – Ảnh đăng trên New York Times ngày 11/6/2013 (Ảnh: Julie Keith)
Lá thư cầu cứu của một học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong trại lao động Mã Tam Gia – Ảnh đăng trên New York Times ngày 11/6/2013 (Ảnh: Julie Keith)

Đó là một ngày trước lễ Haloween năm 2012. Cô Julie Keith, một người tiêu dùng Mỹ, vô tình thấy lá thư cầu cứu viết bằng tiếng Anh xen lẫn tiếng Trung được giấu trong một hộp quà. Đây là món quà dành để trang trí Haloween mà cô Keith mua tại siêu thị Kmart từ năm 2011. Bức thư viết:

“Thưa ngài: Nếu quý ngài tình cờ mua sản phẩm này, làm ơn hãy chuyển bức thư tới Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng nghìn người ở đây đang chịu sự đàn áp của nhà cầm quyền ĐCSTQ sẽ vĩnh viễn nhớ ơn quý ngài (…) Người làm ở đây phải lao động 15 giờ mỗi ngày, không được nghỉ cuối tuần, nếu không sẽ bị đánh và chửi, hầu như không có tiền công (chỉ nhận 10 nhân dân tệ/tháng [khoảng 33.000 VND])

Lá thư cầu cứu của một học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong trại lao động Mã Tam Gia – Ảnh đăng trên New York Times ngày 11/6/2013 (Ảnh: Julie Keith)

Tái hiện cảnh tra tấn nữ học viên Pháp Luân Công tại nhà tù và trại lao động cưỡng bức.
Tái hiện cảnh tra tấn nữ học viên Pháp Luân Công tại nhà tù và trại lao động cưỡng bức.

Ngàn lời nói cũng không thể mô tả hết mức độ kinh hoàng của các buổi nhục hình. Ở đây chỉ xin ví von qua một hình ảnh thế này:

Mã Tam Gia được xây dựng trên nền một nghĩa địa. Quản ngục thì nói, dưới lòng đất là ma, còn trên mặt đất là trại lao động. Nhưng với các tù nhân, ma quỷ hiện diện ngay trên mặt đất, cả Mã Tam Gia là địa ngục trần gian, còn họ là những lương tri sống trên đầu ma quỷ…

Mã Tam Gia cũng chỉ là một trong vô số cơ sở lao động cưỡng bức trên khắp Trung Quốc. Những nơi này sản xuất ra các sản phẩm từ cao cấp cho đến bình dân, từ cho nội địa tới xuất khẩu nước ngoài. Một lượng lớn quần áo và đồ chơi được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Đức và nhiều nước khác với đủ các loại thương hiệu.

Chừng nào tội ác này của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bị phanh phui thì câu chuyện hàng hóa Made in China độc hại vẫn chưa thể dừng lại.

Tân Hạ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.