Theo quan niệm của y học cổ truyền (YHCT), phòng bệnh chẳng những là tìm phương pháp tránh bệnh tật phát sinh mà trong công tác điều trị cần khẩn trương không cho bệnh tiến triển thêm. Điều cốt lõi là đề cao việc bảo dưỡng tinh thần, rèn luyện thân thể, lập lại cân bằng âm dương để thích nghi với khí hậu bốn mùa, kéo dài tuổi thọ.

Bác sĩ Đông y Lý Chí Hồng – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đông Trực Môn trực thuộc Đại học Trung Y dược Bắc Kinh cho biết: “Thượng y trị bệnh chưa tới” khởi nguồn từ rất sớm. Hoàng đế nội kinh có ghi: “Thượng công trị bệnh chưa tới, không trị bệnh đã rồi”. “Trị” có ý là quản lý. “Trị bệnh chưa tới” tức chọn dùng biện pháp tương ứng, ngăn ngừa bệnh tật phát sinh phát triển. Tinh thần chủ đạo trong phòng bệnh của nền y học cổ truyền là: Chưa bệnh thì phòng trước, đã bệnh thì phòng biến.

Phòng bệnh khi chưa bệnh

“Chưa bệnh tiên phòng, trọng tại dưỡng sinh”, tức là bệnh chưa đến thì phải phòng, mà phòng bệnh coi trọng nhất là việc dưỡng sinh. Nếu làm được chính là ‘đầu tư’ dài hạn cho sức khoẻ. Vậy phòng bệnh khi chưa bệnh chủ yếu bao gồm ba phương diện: Sống hợp với Đạo trời đất, điều lý tinh thần và tình chí, bảo trì âm dương bình hoà.

1. Sống hợp với Đạo trời đất

Ý nghĩa là, sống thuận theo quy luật tự nhiên, nghỉ ngơi sinh hoạt thích ứng với sự biến hoá của khí hậu bốn mùa: Ba tháng mùa xuân, nên ngủ muộn dậy sớm, đi bộ trong khuôn viên nhà, thư giãn cơ thể, để cho thần chí theo khí thăng phát mà thư thái. Ba tháng mùa hạ, nên ngủ muộn dậy sớm, không nên chán ghét ngày quá dài, nên để tấu lý tuyên thống, làm dương khí sơ tiết tại bên ngoài. Ba tháng mùa thu, nên ngủ sớm dậy sớm, bảo trì ý chí an định, làm cho tinh thần nội thủ (trấn thủ bên trong), không gấp gáp nóng vội. Ba tháng mùa đông, nên ngủ sớm dậy muộn, đợi đến khi mặt trời ló ra mới dậy, tránh xa hàn (lạnh) bảo trì ấm áp, không được để bì phu khai mở ra mồ hôi mà liên tục hao tổn dương khí.

Mùa xuân nên dậy sớm, tản bộ, thư giãn cơ thể. (Ảnh: lideia.ru)

Đối với khí 4 mùa bất thường thì cần kịp thời né tránh, có thể thuận ứng phép tắc “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”, nếu trái lại thì căn bản của sinh mệnh sẽ bị tổn thương, chân khí sẽ bị bại hoại. Lẽ dưỡng âm và dưỡng dương đây cũng tức là nói rõ sự trọng yếu cần phải thích ứng với khí hậu tự nhiên.

2. Điều tiết tinh thần và tình chí (cảm xúc)

Tức là giữ cho tinh thần thanh tịnh an nhàn, vô dục vô cầu (không có dục vọng, không truy cầu), bảo trì tâm thái thư nhàn, tâm tình an ninh, không có sợ hãi, điều chỉnh sở thích của bản thân để phù hợp tập quán thói quen tại không gian sống, không tức giận, không làm tư tưởng bị gánh nặng quá độ, lấy vui vẻ làm gốc để theo đuổi, lấy thản nhiên làm mục đích.

Phòng bệnh bằng cách lấy vui vẻ làm gốc, lấy thản nhiên làm mục đích. (Ảnh: Birga.Uz)

Mùa xuân để tình chí theo khí thăng phát mà thư thái, mùa hạ bảo trì trong tâm không có uất nộ, mùa thu bảo trì ý chí an định không gấp gáp vội vàng, mùa đông làm ý chí phục tàng (ẩn tàng bên trong), bảo đảm tâm lý sung túc; cứ thế, chân khí theo đó mà tàng sâu bên trong, tinh thần được trấn giữ mà không tản ra bên ngoài.

3. Bảo trì âm dương cân bằng

Hoàng đế nội kinh vốn nói: “Âm dương bình hành, tinh thần chính là có thể trị; âm dương ly tuyệt, tinh khí bèn tuyệt theo”, tức nói rõ ý nghĩa quan trọng của âm dương bình hòa đối với hoạt động sống của sinh mệnh. Điều hòa âm dương là phương pháp dưỡng sinh tốt nhất. Dương khí cố giữ chắc ở bên ngoài thì âm khí mới có thể được trấn giữ ở bên trong. Một khi dương khí thịnh vượng quá độ không kín đáo, âm khí sẽ bị khuyết hao mà suy tổn. Âm dương cân bằng, tinh thần sẽ vượng thịnh; nếu mà âm dương ly tuyệt mà không tương giao, vậy thì tinh khí cũng theo đó mà hao kiệt.

Phòng bệnh biến khi đã bệnh

Khi đã sinh bệnh thì cần kịp thời trị liệu để phòng tránh bệnh tiến triển thêm. Quy luật truyền biến của bệnh tật nói chung đều từ nông vào sâu hay từ một tạng phủ này truyền sang một tạng phủ khác thông qua hệ thống kinh lạc.

Theo lý luận YHCT, kinh lạc có tác dụng vận hành khí huyết, câu thông biểu lý (trong ngoài), liên lạc tạng phủ, do đó dưới tình trạng bệnh lý, kinh lạc lại trở thành con đường truyền dẫn bệnh tà từ bì phu tấu lý vào tạng phủ bên trong. Thiên bì bộ luận, sách Tố Vấn nói: “Tà khí phạm bì phu mà tấu lý khai mở thì vào tới lạc mạch, lạc mạch đầy thì rót vào kinh mạch, kinh mạch tràn thì vào ngụ tại tạng phủ vậy”. Trên lâm sàng cần phải tính toán đến sự biến hóa có thể phát sinh để lên kế hoạch trước.

Khi phát sinh bệnh, kinh lạc trở thành nơi truyền dẫn bệnh tà. (Ảnh: duongsinhsuckhoe.blogspot.com)

Thiên âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Người giỏi chữa bệnh thì chữa ở bì mao trước, rồi chữa đến cơ phu, rồi chữa đến cơ mạch, rồi chữa đến lục phủ, rồi chữa đến ngũ tạng. Khi chữa đến ngũ tạng là bệnh nửa sống nửa chết rồi”. Tức là nói rõ đương lúc bệnh tật còn đang ở bì mao (lông da) thì cần phải xử lý thích đáng, tranh thủ chữa sớm để bệnh tà không thể tiếp tục mà truyền sâu vào gây hậu quả không tốt.

Sách Kim quỹ yếu lược nói: “Chữa khi chưa bị bệnh là thấy bệnh ở can thì biết can sẽ truyền tỳ nên làm cho tỳ mạnh trước”, tức là lúc bệnh đang ở tạng can nên biết sẽ truyền sang tạng tỳ thì nên tăng cường cơ năng của tỳ trước, phòng ngừa không để bị ảnh hưởng.

Như vậy, sau khi bệnh tật phát sinh có thể thông qua phân tích quy luật truyền biến đó mà tiến hành dự phòng, ngăn không cho bệnh phát sinh nguy hiểm hoặc chuyển biến thành bệnh khác, từ đó sẽ thu được hiệu quả dự phòng.

Tham khảo baike.baidu.com
Liên Hoa