Người Việt sống thọ nhưng không khỏe mạnh, bằng chứng là, trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh.

“Hội thảo quốc tế thích ứng với Già hóa dân số”, do Bộ Y tế phối hợp với Ban Thư ký APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) tổ chức trong 2 ngày 17/7 và 18/7. Tham gia hội thảo có khoảng 200 đại biểu tham dự, là những nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học, doanh nhân, chuyên gia… thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, dân số, lao động việc làm, an sinh xã hội…

Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi (60+).

Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60+ tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050.

Thế giới hiện nay có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số thế giới sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người (vào năm 2050), chiếm 22% dân số thế giới. Dân số APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới gần 50% tỷ trọng người cao tuổi (NCT) trên thế giới.

Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, trong đó một số nền kinh tế thành viên có số lượng và tỷ trọng NCT rất lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản…

Tại Việt Nam, vấn đề thách thức đang đặt ra là dù chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhưng tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất 15 năm.

Theo dự đoán của các chuyên gia, giai đoạn vừa qua, mức sinh của Việt Nam giảm khá nhanh, nhưng đồng thời do điều kiện kinh tế khá hơn, việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên số lượng người cao tuổi của Việt Nam cũng tăng rất nhanh. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Hoạt động văn nghệ người cao tuổi (Ảnh minh hoạ)

Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những chính sách liên quan công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thực tế hiện nay, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Còn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.

Bên cạnh đó, người Việt có tuổi thọ tăng nhanh nhưng không khỏe mạnh. Nửa thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới tăng thêm 21 tuổi còn Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Tuy nhiên, trung bình mỗi người cao tuổi Việt Nam phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc đời của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh.

Các chuyên gia khuyến nghị trong thời gian trước khi “về già” Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra, đặc biệt là chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi.

Hoàng Kỳ (t/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.