Người phụ nữ (28 tuổi, Thanh Hóa) mắc ung thư giai đoạn cuối, có một ước nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, để giúp bệnh nhân khác tìm lại ánh sáng.

Chị T.T.N phát hiện bị ung thư cách đây 4 năm, đã điều trị nhiều nơi nhưng bệnh ngày càng nặng.

Chị N. đã lập gia đình và có một cậu con trai gần 7 tuổi, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Căn bệnh ung thư quái ác, đã cướp đi tất cả hy vọng, ước mơ của đôi vợ chồng trẻ.

“Những lúc nguy nan, bệnh nhân N. cùng chồng có một ước nguyện được hiến giác mạc để giúp người nào đó tìm lại ánh sáng”, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt bệnh viện Mắt Trung ương, người trực tiếp nhận giác mạc từ chị N chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống.

Ngày 1/6, sau khi nhận được thông tin, nhóm kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt, đã vàoThanh Hóa để nhận 2 giác mạc của chị N.

2h30 sáng hôm sau, nhóm kỹ thuật về đến Hà Nội. Hiện, 2 giác mạc đã được đưa vào lưu trữ tại Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt trung ương, chờ tặng lại cho người phù hợp.

Người mẹ trẻ ở Thanh Hóa mắc ung thư hiến tặng giác mạc sau khi qua đời
Giác mạc hiến tặng được lưu trữ tại Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc ngân hàng Mắt, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện ở nước ta có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người.

Nguyên nhân gây mù giác mạc là do viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay những người mắc bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Trừ những trường hợp bị nhiễm HIV, viêm gan b, viêm gan C… phải tính phương án loại trừ để tránh nguy cơ rủi ro cho người ghép.

Lan Phương