Trước đó 1 tháng, nam bệnh nhân (35 tuổi, Phú Thọ) bị chó nhà nuôi cắn vào tay nhưng không tiêm phòng. Con chó sau khi bị chủ nhà đánh đã bỏ đi nên bệnh nhân không theo dõi được tình trạng con vật này.

Theo Người Lao Động, bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 26/7 với biểu hiện sợ gió, sợ nước… Chỉ sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện những cơn co thắt hầu họng, thở rít từng hồi, gia đình đã xin về ngày 28/7 để lo hậu sự.

Trước đó, nữ bác sĩ thú y Phan Thị C. (24 tuổi, Hà Nội) tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân do bệnh nhân chủ quan, không đi tiêm phòng khi bị chó cắn, theo Thanh Niên.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – khoa Cấp cứu của bệnh viện trao đổi với VnExpress, người bị chó dại cắn nếu được tiêm phòng đúng phác đồ thì tránh tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.

Bệnh dại xảy ra quanh năm, thường tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh.

Những người bị chó cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.

Khi lên cơn dại, bệnh nhân sẽ có biểu hiện bị kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió… sau đó lên cơn khó thở, tử vong vì suy hô hấp. Có trường hợp là nam giới thì lên cơn cường dương, xuất tinh liên tục cho đến lúc chết.

Bác sĩ khuyên, khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn…

Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Gia đình nuôi chó, mèo phải tiêm phòng dại định kỳ. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Phương Nam