Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng mỡ chiếm ít nhất từ 5 – 10% trọng lượng của cơ quan này. Không chỉ liên quan tới chế độ sinh hoạt, những người không ngủ ngon cũng dễ bị mắc bệnh.

Thường xuyên thức khuya, dễ hình thành gan nhiễm mỡ

Theo Đông y, 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng là thời điểm kinh lạc của Đởm và Can hoạt động mạnh nhất. Nếu thức khuya cộng với ăn muộn hoặc uống rượu sẽ gây hại cho gan.

Y học cổ truyền nhìn nhận, “Can chủ tàng huyết”. Tàng huyết là tàng trữ và điều tiết lượng máu trong cơ thể. Lúc nghỉ ngơi, lúc ngủ nhu cầu về huyết dịch ít, máu được tàng trữ ở Can tạng; trái lại lúc hoạt động, lao động nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể đòi hỏi cao hơn, Can lại bài xuất khối lượng máu dự trữ để cung cấp kịp thời. Chức năng tàng huyết của Can bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến các tạng phủ và sinh các triệu chứng bệnh như: Can huyết không đầy đủ thấy hoa mắt, chóng mặt, chân tay co quắp, kinh nguyệt ít có thể bế kinh… Can khí nghịch lên, huyết đi lạc đường, có thể thấy các hiện tượng xuất huyết như nôn ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong huyết…

Ngủ là lúc máu quay trở lại Can. Nếu không ngủ trong thời gian nêu trên, sẽ không có đủ máu để dưỡng Can. Tạng phủ này còn cần cung cấp năng lượng để hỗ trợ suy nghĩ và hành động, khí đó sẽ không thể hoàn thành quá trình trao đổi chất, từ đó làm mỡ thừa tích tụ trong gan nhiều hơn, do đó rất dễ hình thành gan nhiễm mỡ.

Theo Đông y, Can là nơi cất giữ và điều tiết lượng máu trong cơ thể. (Ảnh: xuehua.us)

Gan nhiễm mỡ dễ gây các triệu chứng như trầm cảm, đầy hơi

“Can chủ sơ tiết”, trong ngũ hành thuộc Mộc, Mộc thích sơ tiết điều đạt. Sơ tiết là sự thư thái, thông thường còn gọi là “điều đạt”. Can khí chủ về sơ tiết giúp cho sự vận hành của khí các tạng phủ được dễ dàng, thông suốt, thăng giáng được điều hoà. Can khí sơ tiết kém sẽ có những biểu hiện bệnh lý đặc biệt ở tình chí và sự tiêu hoá.

Về tình chí, ngoài tạng Tâm, còn do tạng Can phụ trách. Can khí bình thường, thì khí huyết vận hành điều hoà, tinh thần thoải mái. Trái lại, Can huyết sơ tiết kém sẽ gây tình trạng khí bị uất kết, gắt gỏng hay hưng phấn quá độ. Can khí uất kết biểu hiện: ngực sườn đầy tức, u uất, hay thở dài, kinh nguyệt không đều, thống kinh… Can khí xung thịnh gây cáu gắt, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…

Về tiêu hoá, sự sơ tiết của Can có ảnh hưởng lớn đến sự thăng giáng của Tỳ Vị. Nếu can khí uất kết hay can khí hoành nghịch có thể thấy các triệu chứng đau cạnh sườn, đau thượng vị, ăn ít, ợ hơi, ợ chua, tiêu chảy gọi là chứng can tỳ bất hoà hay can vị bất hoà…

Trong sách cổ, cũng có những mô tả về gan nhiễm mỡ. Theo sách Linh khu, chương Tà khí tạng phủ bệnh hình: Can mạch hơi khẩn cấp, vì can khí tích tụ, dưới xương sườn (Nguyên văn: Can mạch vi cấp, vi phì khí, tại tiếp hạ, nhược phúc bôi). Trong Nạn kinh có đoạn: Khi Can khí tích tụ dưới xương sườn, sẽ dẫn đến bệnh phì khí (Can khí tích tụ), hình dạng của nó giống như một cục thịt nhô lên, như một cái cốc úp ngược, ấn vào giống như có đầu và đuôi, (Nguyên văn: Can chi tích, danh phì khí, tại tả tiếp hạ, như phúc bôi, hữu đầu túc).

5 cách loại bỏ gan nhiễm mỡ bằng Đông y

Gan nhiễm mỡ có thể đảo ngược tình thế, nghĩa là nó có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Cách tốt nhất để loại bỏ là thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, tập thể dục nhiều hơn hoặc sử dụng thuốc Đông y kết hợp với châm cứu.

1. Ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

Theo Đông y, khi ta nằm, máu sẽ quay trở lại Can. Chỉ cần ngủ ngon có thể khiến Can nghỉ ngơi tốt. Từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng huyết hành ở phủ Đởm. Từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng, huyết hành tại Can. Những người có Can và Đởm kém nên cố gắng ngủ trước 11 giờ, để máu có thể vận hành tới tạng Can từ 1 giờ đến 3 giờ từ đó mới nuôi dưỡng được tạng phủ này. Ngoài ra, hàng ngày nên làm việc vừa đủ không nên quá lao lực.

Ngủ đủ giấc giúp chức năng gan hoạt động tốt. (Ảnh: uooyoo.com)

2. Chế độ ăn uống thanh đạm nhưng bổ dưỡng

Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên ăn các thực phẩm thanh đạm nhưng đầy đủ dinh dưỡng như mì gạo, ngũ cốc nguyên hạt, rau, trứng, thịt nạc và cháo. Ngoài ra, nên cai rượu và thuốc lá. Để đảm bảo dinh dưỡng, những bệnh nhân gan nhiễm mỡ và béo phì nên giảm lượng chất béo, đường, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Hạn chế thực phẩm cholesterol cao ví dụ nội tạng động vật.

3. Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục, đặc biệt là đi bộ, rất tốt cho việc loại bỏ gan nhiễm mỡ. Mất bao lâu đi bộ mỗi ngày để có hiệu quả? Mỗi ngày đi bộ 30 phút có thể hỗ trợ ngăn ngừa xơ cứng động mạch, ngăn ngừa các bệnh như đái tháo đường và chứng mất trí nhớ.

4. Giữ tâm trạng vui vẻ, bớt giận dữ

Theo Đông y, Can chủ sơ tiết. Khi tâm trạng vui vẻ hòa ái, khí huyết sẽ được sơ thông điều đạt. Kết hợp ăn uống sinh hoạt điều độ và làm những việc mình yêu thích ví dụ trồng hoa sẽ giúp tâm trạng vui vẻ. Y học Trung Hoa có một thành ngữ rất nổi tiếng mà hầu như ai cũng đã biết:

Tức giận hại Can, quá khích hại Tâm, buồn phiền hại Phế, lo lắng hại Tỳ, sợ hãi hại Thận. Bách bệnh đều từ tức giận mà sinh ra.

Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra một chất gọi là catecholamine, gây tác động lên hệ thống thần kinh trung ương, lượng đường trong máu cao, tăng lượng axit béo phân hủy, đồng thời làm tăng độc tố trong các tế bào máu và gan.

5. Châm cứu điều hòa

Gan nhiễm mỡ cũng có thể được điều trị bằng châm cứu, chẳng hạn như châm cứu vào huyệt Túc tam lý của Vị kinh, Phong long, Dương lăng tuyền của Đởm kinh; Tam âm giao của Tỳ kinh; Thái xung, Hành gian của Can kinh… đều có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, kết hợp với dùng thuốc Đông y có thể đạt hiệu quả rất tốt.

Kiên Định
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Xem thêm: