Nhau thai hay còn gọi là Tử hà sa, được các sách Đông y ghi chép về tác dụng chữa bệnh từ lâu. Tuy nhiên, việc sử dụng vị thuốc này, từ xưa đến nay cần thận trọng. Mặc dù có tác dụng nhưng cũng có thể gây hại. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến chuẩn mực đạo đức.

Công dụng của Tử hà sa

Tử hà sa còn gọi là Bào y, Nhân bào, hay Hỗn độn bì… Là vị thuốc có vị ngọt, mặn, tính ấm, tác dụng đại bổ khí huyết do là thứ do khí huyết con người sinh ra, an tâm dưỡng huyết, ích khí bổ tinh.

Tử hà sa có công dụng chủ trị các chứng hoảng hốt, thất chí, điên giản. Dùng cho người khí huyết hư suy gầy mòn, hư tổn cùng cực. Thời xưa lấy những Tử hà sa không có độc, rửa thật sạch ở chỗ có dòng nước chảy lớn, chưng với rượu, sấy khô, nghiền nhỏ hoặc nấu nhừ đảo cho nát đem làm thuốc; cũng có thể nấu như một món ăn.

Không thể sử dụng bừa bãi

Tử hà sa người tuy được mô tả là loại thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết tuy nhiên cũng cần được lựa chọn kỹ, không thể tùy ý sử dụng.

Theo Đông y, cần lấy Tử hà sa của người đẻ con so khỏe mạnh, nếu là những lần sinh sau thì cần lấy của người phụ nữ khỏe mạnh, vô bệnh. Tử hà sa có loại màu đỏ, màu xanh, màu tím thì loại màu tím là tốt.

Vị thuốc Tử hà sa làm từ Tử hà sa người. (Ảnh: vnreview.vn)

Trong sách Bản thảo bị yếu cũng có hướng dẫn cách thử: Dùng đồ bạc cắm vào, rồi hơ trên lửa, nếu không có màu đen thì mới không có độc… Nếu Tử hà sa đem nung trên viên gạch mới thì không những không có lợi mà còn làm tổn hại tinh chấp.

Như vậy, vị thuốc này cần được lựa chọn kỹ, bào chế đúng cách thì mới có thể sử dụng. Lại càng không thể sản xuất quy mô lớn mà không có sự giám sát chặt chẽ.

Từ xưa đã không được khuyến khích sử dụng

Tuy được coi là thuốc bổ nhưng các thầy thuốc xưa cũng không khuyến khích, thậm chí là răn dạy mọi người không nên dùng vị thuốc này.

Theo Lý Thời Trân, Tuy Tử hà sa được liệt vào các vị thuốc từ Trần thị bản thảo, nhưng người xưa ít dùng, sau này do Chu Đan Khê nói về công dụng mà được dùng nhiều hơn. Đến khi Ngô Cầu chế ra bài thuốc Đại tạo hoàn lại càng được sử dụng rộng rãi. Bài thuốc của Ngô Cầu dược vị bình bổ, nếu không có Tử hà sa người cũng có thể uống được.

Rau thai đã được chế biến thành Tử hà sa. (Ảnh: kids.kiddle.co)

Sách Tùy thư có kể chuyện phụ nữ nước Lưu Cầu muốn nhiều sữa thì ăn rau thai của con, sách Quyện du lục của Trương Sư Chính cũng kể chuyện người Liêu muốn sinh con trai thì lấy Ngũ vị tử nấu cùng rau thai đến ngày Hội thân thì ăn. Tuy vậy, theo Lý Thời Trân đây chỉ là nói về ý tứ các loài động vật việc sinh con rồi tự ăn rau thai, không phải chuyện của con người.

Sách Tiểu nhi phương của Thôi Hành Công có viết: “Rau thai nên chôn ở nơi cát địa Thiên đức, Nguyệt không, vùi sâu chôn chặt giúp cho đứa trẻ sống thọ. Nếu bị lợn, chó ăn thì đứa trẻ mắc chứng điên cuồng; để sâu, kiến ăn thì đứa trẻ bị lở ngứa; để chim chóc ăn thì đứa bé sẽ chết không lành; đem đốt thì khiến đứa bé lở loét; không được chôn gần đền miếu, chỗ nước bẩn, giếng nước, bếp. Đây là lý hô ứng tự nhiên, không phải nghĩ bàn. Nay lại đem Tử hà sa hấp nấu chiên nướng, hòa vào làm thuốc, tuy nói là lấy thứ của người để bổ cho người, đồng thanh tương ứng, nhưng cũng là thứ thịt người, lại không phạm phải những điều cấm kị của Thôi Hành Công hay sao? Những việc được kể như nước Lưu Cầu, người Liêu cũng là những chuyện kỳ dị, hiếm gặp mà thôi”.

Ngày nay, việc sử dụng Tử hà sa làm thuốc cũng bị nhiều người phản đối do có thể mang theo những mầm bệnh khó kiểm soát, người sử dụng có thể nhiễm một số bệnh nguy hiểm như viêm gan, HIV…

Vấn đề đạo đức

Gần đây có một số loại chế phẩm của Trung Quốc điều chế từ người được đồn đại là có tác dụng phòng chống ung thư, tăng cường sức khỏe… Không rõ hư thực ra sao, nhưng việc sử dụng thuốc có thành phần từ người một cách tùy ý rất có thể gây những tác hại như đã kể trên.

Ngoài ra, việc dùng Tử hà sa cùng các chế phẩm có nguồn gốc từ con người cũng bị nhiều người phản đối do vi phạm chuẩn mực đạo đức nhân loại, các giá trị văn hóa, tôn giáo…

Không chỉ vậy, Trung Quốc – nơi sản xuất những loại thuốc kể trên cũng đang bị thế giới lên án về những vấn đề nhân quyền và đạo đức như bắt cóc, mổ cướp nội tạng, áp bức tín ngưỡng… Vì vậy, khi những loại thuốc này được sản xuất lượng lớn lại càng gia tăng mối lo ngại về vấn đề này tại Trung Quốc.

Thụy Phong