Ăn uống là một phần ‘dưỡng sinh tứ thời’ của người xưa. Mùa hè, thời tiết khô nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, mất nhiều nước dễ dẫn tới mệt mỏi, chán ăn. Dưỡng sinh Đông y nắm bắt được điều này, mà đưa ra những lời khuyên đặc biệt vẫn còn hữu ích cho người hiện đại.

Một số cấm kị trong ăn uống cần lưu ý:

Không dùng đường nhiều

Mùa hè, mọi người thường có xu hướng thích uống nước ngọt giải khát, ăn chè, ăn kem… tuy nhiên, quan điểm dưỡng sinh lại cho rằng đây chính lúc nên giảm bớt tiêu thụ đường. Lý do là vì nó có thể làm cho đường huyết tăng cao, như vậy tạo môi trường thuận lợi cho bệnh khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và các vi khuẩn sinh mủ khác phát triển, dễ dẫn tới bệnh lý về da như rôm sảy, mụn nhọt, đầu đanh…

Ảnh: Toplist.vn

Không ít người bệnh tiểu đường cũng thường kèm theo biến chứng mụn loét trên da, chính là do chuyển hóa đường trong cơ thể mất điều hòa mà gây ra. Ngoài ra, đường khi phân giải trong cơ thể có thể sinh ra lượng lớn sản phẩm chuyển hóa như pyruvate, lactase… làm huyết dịch từ tính kiềm yếu biến thành tính axit, hình thành thể trạng tính axit, sức đề kháng của những người này thường giảm. Các loại khuẩn gây bệnh khác có thể thừa cơ mà xâm nhập, dẫn tới các bệnh lý khác.

Không dùng nhiều đồ ăn nguội lạnh và thực phẩm tính ôn nhiệt

Ngoài ra, trong mùa hè còn cần kiêng ăn bánh trôi lạnh, bánh nếp lạnh, chè con ong lạnh; kiêng uống trà lạnh để qua đêm, cháo lạnh, đồ uống lạnh; kiêng ăn hoặc ăn ít thịt chim sẻ, thịt dê, hẹ, hành tây, long nhãn, vải, kinh giới, hoa tiêu, nhục quế, rượu trắng và lạc rang, hạt dưa rang; kiêng ăn đồ để qua đêm…

Tránh đồ ăn lạnh. (Ảnh: m.baomoi.com)

Sau Lập Hạ, thường thấy tiết trời trở nên nóng bức hơn, cần lấy thanh nhiệt tiêu thử làm trọng điểm. Đồng thời, theo lý luận dưỡng sinh của Đông y, còn cần ăn đúng, để tránh không tổn thương khí của tạng Phế, Tỳ. Vào triều Đường, Thánh dược Tôn Tư Mạc từng lấy biến hóa của ẩm thực và tiết thời liên hệ với nhau. Ông căn cứ tiết thời và nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể tạo 3 bữa ăn thường nhật thành một loại phương thức dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe.

Trong Thiên kim yếu phương, ông đã đề xuất: “72 ngày hè, bớt đắng tăng cay, để dưỡng phế khí”. Bớt đắng tăng cay, tức bớt ăn vị đắng, ăn nhiều vị cay. Đông y ngũ hành cho rằng, mùa hạ tâm hỏa đương mùa, mà thực phẩm vị đắng dù cho có công dụng thanh nhiệt tả hỏa, định suyễn tả hạ… nhưng lại có thể trợ tâm khí mà chế phế khí, do đó không kiến nghị khuyến khích mùa hè ăn nhiều, để tránh tâm hỏa quá vượng. Do tâm hỏa có thể khắc phế kim, mà vị cay qui kinh phế, do đó trong mùa hè, mặc dù thời tiết nóng, mọi người có thể ăn đồ ăn cay, như củ cải, hành kiệu, gừng, tỏi… Vị cay vốn có công dụng phát tán, hành khí, hoạt huyết, thông khiếu, hóa thấp, bổ ích phế khí, đặc biệt là người phế khí hư (ngại nói, nói nhỏ thở ngắn, tự ra mồ hôi…).

Mùa hạ cần lấy thanh bổ làm chủ. Nếu như một nhà hàng nào đó giới thiệu canh gà ác, gà mái đẻ để ôn bổ thì thực ra lại hoàn toàn ngược lại, bạn nên lựa chọn canh vịt hoặc chim bồ câu. Từ góc độ Đông y mà nói, bổ cần tuân thủ đạo “Tứ thời ngũ bổ”, tức mùa xuân bổ can, mùa hè cường tâm kiện tỳ, mùa thu nhuận phế, mùa đông bổ thận. Đối với thực phẩm trái mùa, cần học cách cân bằng hàn nhiệt, ví dụ mùa hè khi ăn lẩu thịt dê, tốt nhất thêm một chút gia vị hoặc nước chấm tính mát, để trung hòa tính ấm của thịt dê.

Thịt vịt có tính mát, thích hợp dùng cho mùa hè. (Ảnh: phunutoday.vn)

Giới thiệu một số công thức nấu canh thực dưỡng trong ngày hè

Cổ nhân nói: “Thuật an thân, tất nhờ vào thực”. Lời của tiền nhân rất có đạo lý. Canh thực dưỡng thực sự có thể giúp chúng ta bình an vượt qua mùa hè, dưới đây sẽ giới thiệu với các độc giả 3 loại canh thanh đạm để mọi người cùng tham khảo.

1. Canh bí đao đậu xanh

Dân gian có câu: “Hè uống canh đậu xanh, đông nấu canh ngân nhĩ”. Canh đậu xanh là thức uống tiêu thử giải khát kinh điển nhất mùa hè. Đậu xanh vốn có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein tương đương gấp 3 lần gạo tẻ, Lý Thời Trân gọi là “thực cốc tế thế, thực phẩm tốt trong các loại thực phẩm”. Mùa hè uống canh đậu xanh có thể phòng trị chứng trúng thử, mắt đỏ, đau họng, rôm sảy, táo bón, tiểu vàng, phiền khát… nhưng cũng không nên lạm dụng.

Bí đao tươi vị ngọt tính đạm, có thể thanh nhiệt giải thử; đậu xanh khô tính vị ngọt mát, có thể thanh lương giải độc, tiêu thử lợi thủy; đường đỏ vị ngọt có thể giải độc nhuận táo. Ba loại thực phẩm kết hợp lại dùng thì giúp thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lại ngọt thanh, ngon miệng hợp khẩu vị.

Chè bí đao đậu xanh làm dịu mát cơ thể ngày hè.

Nguyên liệu: Cùi bí đao tươi 250g, Đậu xanh 75g, Đường đỏ lượng vừa đủ

Cách làm: Rửa sạch bí đao, gọt vỏ và bỏ hạt, thái bí thành sợi nhỏ. Đậu xanh khô rửa sạch, có điều kiện có thể bỏ vỏ đậu xanh. Cho đậu xanh vào nồi đất, thêm nước trắng vào hầm, đợi đến khi hạt đậu nấu nhừ thành dạng hồ bột, bỏ bí đao đã thái vào, tiếp tục hầm 20 phút, sau đó cho vào lượng đường đỏ thích hợp để chỉnh vị.

Lưu ý: Một nghiên cứu cho thấy người già, trẻ em cho đến người thể trạng thiên hư không nên uống nhiều canh đậu xanh giải thử. Theo kiểm tra phát hiện hàm lượng protein trong cháo đậu xanh còn nhiều hơn cả trong trứng gà. Người già, trẻ em chức năng trường vị tương đối kém, rất khó trong thời gian ngắn tiêu hóa hết protein trong đậu xanh, do đó có thể dẫn tới đầy bụng khó tiêu. Nhóm người này nên ăn ít hoặc không ăn thực phẩm tính hàn.

Ngoài ra, người tỳ vị hư nhược nhất định không nên ăn canh đậu xanh, nhưng có thể ăn cháo nấu từ hỗn hợp gạo tẻ, hạt kê, đậu xanh. Bởi vì gạo tẻ và hạt kê đều có thể khởi tác dụng tư bổ tỳ vị. Nhóm người thể trạng hàn và hiện đang dùng thuốc cũng không thích hợp dùng canh đậu xanh. Bởi vì bản thân đậu xanh tính hàn, người thể hàn ăn vào có thể là bệnh tình nặng hơn, lúc nghiêm trọng có thể dẫn tới phát bệnh khác.

2. Canh tảo bẹ rong biển hầm xương sống lợn

Canh tảo bẹ rong biển hầm xương sống lợn khí vị thanh đạm, nhu nhuận, vốn có công hiệu thanh nhiệt tiêu trệ, lợi thấp trừ phiền, đồng thời cũng có thể hỗ trợ điều trị cao huyết áp, bướu cổ đơn thuần, viêm mãn tính tuyến bạch huyết ở cổ…

Tảo bẹ tính hàn vị mặn, vào kinh phế, vị; công hiệu thanh nhiệt tiêu đàm, nhuyễn kiên tán kết, hạ huyết áp. Trong Dược tính luận cho rằng: nó lợi thủy đạo, trừ phù mặt. Ngọc thu dược giải nói, nó có thể tiết thủy khu thấp, phá tích nhuyễn kiên đồng thời trị tràng nhạc.

Rong biển cũng tính hàn vị mặn, vào kinh can, vị; công hiệu thanh nhiệt nhuyễn kiên, thanh huyết lợi tiểu, tan ung bướu kết khí và cục cứng dưới cổ. Đậu tương, xương sống trừ khí hàn của tảo bẹ, rong biển.

Rong biển là một thành phần trong bát canh giải nhiệt mùa hè. (Ảnh: ykhoaviet.vn)

Đậu tương tính bình vị ngọt, vừa bổ ích lại có công dụng giải nhiệt độc và tiêu thử khí; xương sống lợn tính bình vị ngọt, có tác dụng bổ âm ích tủy. Kết hợp nấu canh, vừa thanh nhiệt trừ phiền, khu thấp lợi niệu lại bổ ích.

Nguyên liệu: Tảo bẹ + rong biển + đậu tương +xương sống lợn

Cách làm: Tảo bẹ, rong biển, đậu tương rửa sạch rồi ngâm qua. Xương sống lợn rửa sạch, dùng sống dao đập vỡ, sau đó cho vào nồi đất cùng với gừng sống, cho thêm 2500 ml nước sạch ước chừng 10 bát nước, đầu tiên dùng lửa to nấu sôi. Sau đó, cho các nguyên liệu còn lại vào, vặn lửa nhỏ hầm tầm 2 giờ đồng hồ. Cho vào lượng muối ăn thích hợp là được.

3. Canh Tây dương sâm (sâm Hoa Kỳ) hầm vịt

Trong nước canh này, Tây dương sâm vẫn là sản phẩm thanh bổ tốt cho thử nhiệt thương khí, có thể ích khí dưỡng âm, thanh hỏa sinh tân.

Vịt là con vật trường niên quanh năm sinh trưởng tại mặt nước, là vật có máu thịt hữu tình, có thể tư âm bổ huyết, ích vị sinh tân, bổ mà không táo. Đặc biệt thích hợp cho người thấp nhiệt, hư hỏa quá nặng, được vinh danh là thánh dược bổ hư lao.

Long nhãn nhục vẫn là sản phẩm kì diệu bổ ích khí dưỡng nhan, thiên về dưỡng huyết, ninh tâm ích trí.

Tây dương sâm là vị thuốc thanh bổ tốt. (Ảnh: Hello Bacsi)

Ba loại thực phẩm phối hợp thì có thể ích khí sinh tân, ninh tâm dưỡng huyết trừ phiền. Canh này đối với thời tiết nắng nóng, tự mình cảm thấy mệt mỏi không có sức, ra mồ hôi quá nhiều, miệng khô họng khát, không có tinh thần là rất thích hợp.

Nguyên liệu: Mỗi lần dùng 20g Tây dương sâm, thịt vịt (nuôi dưới nước) 250g, long nhãn nhục 12g.

Cách làm: Khi làm, trước tiên rửa sạch Tây dương sâm, dùng dao thái thành lát mỏng hoặc đập nát, để sẵn dùng. Vịt bỏ nội tạng, đầu, cổ và chân, dùng nước sạch rửa sạch, sau đó dùng dao chặt thành khúc vừa ăn. Long nhãn bỏ chỗ bẩn, đồng thời dùng nước sạch rửa qua. Các nguyên liệu trên chuẩn bị xong sau đó cùng cho vào trong canh hầm, cho vào lượng nước sạch thích hợp, dùng lửa vừa và lửa nhỏ hầm canh, hầm tầm 1 giờ 30 phút đồng hồ, cho muối vào nêm vừa, đợi ấm thì uống canh, ăn thịt vịt và long nhãn nhục.

Theo baike.baidu.com
Liên Hoa