Sau một tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, các bác sĩ rất mừng vì số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu bia giảm mạnh so với trước.

Ngày 8/1, bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội chia sẻ trên báo VnExpress cho biết, lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông một tuần nay giảm 50%. Trung bình mỗi ngày, khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-130 bệnh nhân, nhưng khoảng một tuần qua có khoảng 60-70 ca cấp cứu.

“Đặc biệt là không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia”, bác sĩ Hùng nói.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là điểm “nóng” về số ca cấp cứu do tai nạn giao thông. Song, sáng 8/1, khoa Cấp cứu không tiếp nhận bệnh nhân vào viện do rượu bia. Hiện chỉ có một bệnh nhân ở Thanh Hóa nhập viện ngày hôm qua trong tình trạng có rượu bia, bị đa chấn thương đang được điều trị tích cực.

Một tuần qua, Bệnh viện Thanh Nhàn không có bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia (ảnh: Hà Nội Mới).

Theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn. Tuy nhiên, từ ngày 1-6/1, bệnh nhân tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn giảm còn 8%.

Tình trạng ngộ độc rượu, bia cũng giảm hẳn. Bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, những năm trước, cứ mỗi dịp Tết, khoa phải cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc do rượu, bia. Nhiều người hôn mê, nôn nhiều, suy đa tạng, phải lọc máu khẩn mà vẫn không giữ được tính mạng. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại khoa chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào ngộ độc.

Uống có ý thức

Một nghiên cứu độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tỉ lệ tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia vào khoảng 36% trong những ngày thường. Đặc biệt vào các dịp cao điểm lễ tết, số nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia lên tới hơn 60%, phần lớn thương tật rất nặng.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn ở lái xe (ảnh: Hải Nguyễn/Báo Lao Động).

Trong đó, tỉ lệ tai nạn do nam giới gây ra là 80-90%, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích vẫn ở mức báo động vì việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khoẻ tập trung do ngành giao thông thực hiện, tỉ lệ còn thấp so với thực tế.

Hiện nay, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam, đã gây ra những hậu quả nhức nhối trong xã hội. Chính bởi vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ghi rõ “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Cụ thể đã uống rượu, bia thì không được điều khiển các phương tiện giao thông.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia – Trần Hữu Minh – nói rằng, cần xác định rõ vấn đề “sử dụng rượu bia” và “sử dụng rượu bia khi lái xe” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta hoàn toàn không cấm việc “sử dụng rượu bia”, nhưng “sử dụng rượu bia khi lái xe” thì bị cấm do gây mất an toàn cho xã hội và cho chính người vi phạm.

Hiện 90% số người sau khi sử dụng rượu bia vẫn trực tiếp lái xe. Cùng đó, vẫn còn tình trạng nể nang hoặc ép uống rượu bia trước khi lái xe nên trong luật mới cũng có hình thức xử phạt cho hành vi này.