Đốm nâu trên da mặt là những đốm nhỏ, sẫm màu, có kích thước thay đổi, vị trí thường ở da mặt, vùng vai và vùng cánh tay. Có nhiều cách điều trị đốm nâu, trong đó có những công thức đơn giản dễ làm và mang lại hiệu quả làm mờ, thậm chí làm mất hẳn tổn thương này.

Các tế bào hắc tố trên da có chức năng sản xuất hắc tố melanin. Melanin có chức năng bảo vệ cơ thể bạn khỏi các tia UV bằng cách hấp thu UV băng thông rộng, có tính chất chống oxy hóa và triệt để. Khi tiếp xúc với ánh nắng, các tế bào này sẽ gia tăng sản xuất melanin. Melanin sẽ tăng cao ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng và bạn sẽ thấy da ở vùng đó thường sẫm màu hơn vùng da ít tiếp xúc với ánh nắng. Tuy nhiên, melanin đôi khi không dàn trải đều ra mà tập trung lại một chỗ, hình thành nên đốm nâu.

Ai dễ có đốm nâu?

Ảnh: vietbao.vn

Bất kỳ ai cũng có thể xuất hiện đốm nâu, tuy nhiên người ta quan sát thấy có hai nhóm người thường có là:

  • Da trắng, tóc đỏ
  • Người thường xuyên ở ngoài nắng mà không bảo vệ

Phân biệt đốm nâu với nám 

Đốm nâu và nám khác nhau về nguyên nhân. Đốm nâu do melanin tăng sản xuất quá mức, còn nám là do tình trạng rối loạn nội tiết gây ra khi sử dụng thuốc tránh thai, trong thai kỳ hoặc do tác dụng phụ của việc điều trị bằng nội tiết tố. Vị trí xuất hiện của đốm nâu là ngẫu nhiên ở vai, cánh tay và da mặt; còn nám thì thường xuất hiện ở hai bên má, và có tính đối xứng.

Phân biệt đốm nâu với ung thư da và các bệnh lý khác

Đốm nâu thường có đặc điểm bằng phẳng, liền mặt với da, không gồ lên da, không ngứa, màu nâu sẫm, đường viền khá rõ ràng

Tuy nhiên, nếu bạn không chắc chắn tổn thương thuộc dạng lành tính hay ác tính thì hãy gặp bác si để được tham vấn khi tổn thương có màu quá đậm, đường viền bất thường, kích thước tăng nhanh, màu sắc bất thường, hoặc sưng đỏ, ngứa hoặc đau.

Điều trị bằng phương pháp nào?

Ảnh: lilyapp.me

Có nhiều cách điều trị đốm nâu. Bạn nên tham khảo bác sĩ da liễu để được tư vấn lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng tổn thương, tình trạng da mặt và các loại mỹ phẩm dưỡng da và bảo vệ da đang sử dụng.

Điều trị đốm nâu bằng thuốc

Bạn có thể được bác sĩ kê toa sử dụng các chế phẩm có chứa retinoids. Thành phần này làm mờ đốm nâu trong thời gian nhiều tháng. Da mặt bạn nhạy cảm với ánh nắng hơn trong quá trình điều trị, do đó bạn nên dùng kem chống nắng có SPF trên 30 mỗi khi ra ngoài.

Điều trị bằng laser

Liệu pháp này sẽ hủy các tế bào hắc tố mà không làm tổn thương da. Có thể có tác dụng phụ như da không đều màu. Tuy nhiên, tác dụng này hiếm gặp.

Liệu pháp làm lạnh

Dùng một miếng cotton thấm nitơ hoặc những chất làm lạnh khác áp lên vùng có đốm nâu để hủy sắc tố dư thừa. Sau điều trị, da sẽ sáng màu hơn. Tác dụng phụ là rối loạn sắc tố và sẹo vĩnh viễn.

Mài mòn và vi mài mòn

Dùng bàn chải gắn mài mòn lớp bề mặt da, để lại lớp tế bào mới. Liệu pháp này cần thực hiện nhiều lần. Có thể da sẽ bị đỏ do kích ứng tạm thời.

Công thức điều trị tại nhà đơn giản, dễ làm mà lại hiệu quả bạn có thể áp dụng như sau:

Công thức 1

Ảnh: wordpress.com
  • Nguyên liệu: nước chanh.
  • Cách làm: hàng ngày, bạn dùng một miếng chanh tươi, vắt lấy nước và đắp lên đốm nâu. Để trong vòng 30 phút rồi rửa sạch bằng nước.
  • Công dụng: acid citric có trong chanh sẽ làm giảm đốm nâu từ 1-2 tháng. Tuy nhiên, acid citric cũng làm cho da bạn nhạy cảm hơn, nên bạn che chắn kỹ khi ra nắng.

Công thức 2

  • Nguyên liệu: Yogurt và mật ong.
  • Cách làm: Mỗi ngày 2 lần, dùng 1 muỗng cà phê mật ong trộn với 1 muỗng cà phê yogurt bôi lên vùng da có đốm nâu và để 20 phút. Sau đó rửa sạch lại bằng nước
  • Công dụng: làm giảm đốm nâu.

Công thức 3

  • Nguyên liệu: dấm táo.
  • Cách làm: Mỗi ngày một lần, dùng giấm táo bôi lên mặt, để trong vòng 30 phút, sau đó rửa sạch.
  • Công dụng: ngoài việc làm mờ đốm nâu, dấm táo còn có tác dụng dưỡng ẩm da mặt. Hiệu quả sau 2 tháng sử dụng.

Công thức 4

  • Nguyên liệu: sữa bơ và nước chanh.
  • Cách dùng: mỗi ngày 1 lần, trộn một ít sữa bơ và nước chanh đắp lên vùng da có đốm nâu. Sau đó rửa sạch bằng xà phòng.
  • Công dụng: acid lactic trong sữa bơ cùng với acid citric trong nước chanh có tác dụng làm mờ đốm nâu.

Dự phòng: Bạn có thể hạn chế đốm nâu, cũng như các tổn thương da xuất hiện bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Khi đi ra nắng, bạn nên:

  • Đội mũ rộng vành, mang khẩu trang che vùng cổ, mặc quần dài, váy dài. Vào mùa hè, nên chọn chất liệu vải cotton thấm hút mồ hôi tốt, màu sắc tươi sáng; hạn chế quần áo màu sẫm vì dễ hấp thụ nhiệt.
  • Thường xuyên dùng kem chống nắng.
Ảnh: shopchongnang.com
  • Chọn kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn, có khả năng chống nước và bảo vệ bạn khỏi tia UVA và UVB.
  • Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 15 phút để làn da của bạn hấp thụ kem chống nắng và bảo vệ bạn. Nếu bạn chờ cho đến khi bạn đang ở dưới ánh mặt trời để thoa kem chống nắng, da của bạn không được bảo vệ và có thể bị bỏng.
  • Thoa kem chống nắng trên tất cả da tiếp xúc.
  • Không thoa kem chống nắng lên vùng niêm mạc.
  • Đối với những vùng khó tiếp cận như lưng của bạn, hãy nhờ ai đó giúp bạn hoặc sử dụng kem chống nắng phun.
  • Để bảo vệ đôi môi của bạn, thoa son dưỡng môi với SPF ít nhất là 15.
  • Để duy trì bảo vệ khi ở ngoài trời, thoa kem chống nắng mỗi hai giờ, hoặc ngay sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi.
  • Da của bạn tiếp xúc với tia UV mỗi khi bạn ra ngoài, ngay cả vào những ngày nhiều mây và vào mùa thu hoặc cả mùa đông.Vì vậy bạn nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng mỗi khi ra ngoài.

Phương Lan