Nhổ răng khôn không đơn giản như nhổ một cái răng sữa. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết sau đây để có một cuộc tiểu phẫu an toàn.

Răng khôn còn gọi là răng số 8, nhiều nhất là 4 chiếc chia đều cho 4 góc hàm, có người ít hơn. Là loại răng mọc muộn nhất, thường từ 18 – 25 tuổi. Đây là tuổi đã trưởng thành về mặt trí tuệ nên mới có tên là răng khôn.

Vì là sau cùng nên cái sự mọc của nó thật là gian nan vất vả. Lúc này khung xương hàm đã cứng và khoảng không của hàm răng cũng trở nên chật hẹp, hơn nữa lợi cũng dày hơn lúc bạn còn bé. Để có thể nhú lên khỏi lợi vào khoang miệng, răng khôn cũng đã phải luồn lách đủ đường để chồi lên. Nhiều cái răng có kiểu mọc kì dị gây ra nhiều phiền toái và bệnh lí cho bệnh nhân. Phương pháp các nạn nhân thường chọn chính là nhổ bỏ cái ‘răng khôn mọc dại’ này đi.

Nhiều người loại bỏ răng khôn để dự phòng tai biến. (Ảnh: elmanana.mx)

Tổ chức National Institute of Health (NIH. Viên Y tế quốc gia), Hoa Kỳ, trong hội nghị quốc tế năm 1979, khi chưa có sự đồng thuận về thời điểm nhổ răng khôn, đã đưa ra khuyến cáo về chỉ định nhổ răng khôn như sau:

  • Hiện diện nang hay u trong thành bao mầm răng 8
  • Viêm quanh răng số 8 lặp lại nhiều lần
  • Sang thương sâu răng không hồi phục
  • Làm tổn hại mô nha chu răng số 7
  • Làm sâu mặt xa răng số 7

Trên thực tế thì việc nhổ răng 8 dự phòng các tai biến ngày càng tăng. Tuy nhiên thời điểm nhổ răng khi bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng vẫn đang còn đang bàn cãi. Tổng quan y văn hiện thời vẫn chưa thể so sánh giữa các nguy cơ và lợi ích trong nhổ răng 8. Chỉ có thể đưa ra cho người đọc một số lời khuyên về vấn đề này như sau:

Lưu ý trước nhổ răng

Khám toàn thân, chụp X – quang, CT – scanning, xét nghiệm máu để phát hiện ra những chống chỉ định trong nhổ răng khôn. Khi có các bệnh lý kèm theo có ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tính mạng người bệnh thì phát hiện và điều trị ổn định trước.

Bệnh lý tại chỗ: viêm nướu, viêm quanh thân răng cấp tính, viêm xương ổ răng cấp tính, nhổ răng cối lớn và răng cối nhỏ cùng bên trong thời kì viêm xoang hàm cấp tính, nhổ răng trên hàm vừa được điều trị bằng tia phóng xạ.

Bệnh lý toàn thân: Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, suy thận, thấp khớp cấp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về máu dùng thuốc chống đông, thiếu máu, ban xuất huyết, máu không đông… Bệnh nhân chỉ được phép nhổ răng khi có sự đồng ý của bác sĩ điều trị chuyên khoa trong điều kiện bệnh lý ổn định và có sự chuẩn bị tốt về thể lực.

Làm xét nghiệm cần thiết trước khi nhổ răng khôn. (Ảnh: nhorang.com.vn)

Phụ nữ có thai, có kinh nguyệt chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết.

Những trường hợp bệnh nhân chống chỉ định vĩnh viễn: bệnh lý toàn thân giai đoạn cuối, sức khỏe quá yếu, ung thư máu bất ổn định.

Chỉ nên nhổ tối đa 2 răng/lần để tránh việc bị gây tê nhiều, đau, chảy máu và cứng hàm sau nhổ.

Bạn đang đùng thuốc gì, hay bị dị ứng với những thứ gì cũng nên cung cấp cho nha sĩ của bạn.

Cần đặt hết niềm tin vào người điều trị cho bạn. Không có tâm lí sợ hãi trước khi tiến hành nhổ răng.

Lưu ý trong nhổ răng

Thuốc gây tê: Một lượng nhỏ số bệnh nhân sẽ có biểu hiện dị ứng với thuốc gây tê và dẫn tới sốc phản vệ, gây tử vong. Quan sát những bất thường của cơ thể như khó thở, choáng… để báo lại ngay cho bác sĩ kịp thời có biện pháp cấp cứu.

Lưu ý sau nhổ răng

Chảy máu kéo dài: Biến chứng này xuất hiện khi răng đã nhổ nằm trên nền u máu xương hàm hoặc do vết thương bị rách, uống bia rượu sau khi nhổ răng,… Sau 24h nếu máu vẫn không có dấu hiệu ngừng chảy, hãy báo lại ngay với bác sĩ điều trị của bạn.

Nhiễm khuẩn sau nhổ: Có thể do dụng cụ nhổ, và thao tác nhổ chưa được vô trùng, hoặc do vệ sinh răng miệng sau nhổ kém nên gây nhiễm khuẩn. Chúng để lại những cơn đau dữ dội và có thể kéo dài đến 2-3 tuần, nếu không kịp thời khám chữa có thể làm nhiễm trùng lan rộng, nguy hiểm nhất là gây nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong.

Đau kéo dài sau nhổ răng có thể do nhiễm khuẩn hoặc tổn thương dây thần kinh. (Ảnh: helobacsi.com)

Tổn thương dây thần kinh: Là nơi tập trung nhiều dây thần kinh nên biến chứng biểu hiện ngay sau khi nhổ là tình trạng ngứa ran, tê ở lưỡi, môi, cằm và nướu. Những cơn đau liên tục sẽ xuất hiện vài tuần hoặc vĩnh viễn nếu dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng.

Khô ổ cắm răng: là một trong những biến chứng thường gặp nhất khi nhổ răng khôn, làm xuất hiện cục máu đông ở ổ cắm răng. Bạn sẽ cảm thấy bị đau sưng, khó chịu khiến việc ăn uống bị ảnh hưởng, sức khỏe giảm sút.

Chế độ chăm sóc sau nhổ răng khôn

Trong vòng 24h đầu:

  • Uống thuốc theo toa
  • Cắn chặt gạc liên tục tại vị trí nhổ răng
  • Chườm lạnh 15 phút, cách mỗi 30 phút trong 4 giờ
Chườm lạnh để giảm đau. (Ảnh: bachhoaxanh.com)
  •  Tránh thức ăn nóng
  •  Không hút thuốc
  • Tránh súc miệng
  • Nằm đầu cao

Trong một tuần đầu:

  • Súc miệng bằng nước sạch, lạnh
  • Đánh răng bằng nước lạnh, tránh vùng mổ
  • Dùng thuốc theo đơn

Yến Dương