Thời cổ đại ung thư thực quản được gọi là “chân ế” (nghẹn thực sự), đây là căn bệnh khiến các danh y đều bó tay. Tuy nhiên vào thời nhà Minh ở Trung Quốc có một người phụ nữ trong dân gian có thể điều trị nó một cách dễ dàng như trở bàn tay.

Theo ghi chép trong Sơn Tây Thông Chí, Hàn Y phụ là người Giới Hưu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây) là người có y thuật cao siêu, thường thích vân du bốn biển. Thuật chữa bệnh thần kỳ của bà được nhiều người khâm phục trong đó có tri huyện Hiếu Nghĩa tên là Châu Hựu. Để tỏ lòng biết ơn việc Hàn Y phụ chữa khỏi bệnh cho mẹ mình nên lập bia đá ghi chép lại toàn bộ quá trình. Nội dung câu chuyện như sau:

Ảnh minh họa (Ảnh: pinterest.com)

Mẹ tôi bị mắc bệnh “chân ế”, bảy ngày không uống nổi một thìa nước, hơi thở thoi thóp, tưởng chừng sắp không qua khỏi. Khi đó có người mách trong dân gian có Hàn phu nhân trị bệnh này vô cùng kỳ diệu nên dùng ngựa tốt mời bà tới thăm bệnh. Sau khi bắt mạch, Hàn Y phụ dùng cây tần bì gai đun nước, cho mẹ tôi ngậm và súc miệng; Sau đó lấy một hòn đá trắng, dài khoảng 3 tấc, một đầu có 6 cạnh, một đầu nhọn, trên đó lại có những đường hoa văn màu đỏ, để mẹ tôi ngậm trong miệng. Chỉ thấy bà nấc lên mấy lần và có thứ như thuốc nước được hòa tan trong miệng; Sau đó Hàn phu nhân lại dùng ngón tay xoa bóp bên ngoài cổ họng, dùng một chiếc đũa đưa sâu vào trong cổ họng.

Một lát sau tôi thấy mẹ nôn ra một cục thịt, cuộn lại và có thể ngọ nguậy như một con rắn. Hàn phu nhân cho hay, người bị bệnh “chân ế” thường có dị vật ở trong họng và ở trong tim. Bà vẫn lặp lại cách trị liệu như trên một lần nữa và mẹ tôi lại nôn ra dị vật lạ, sau đó bà lấy nước tần bì gai cho mẹ tôi uống. Ba ngày sau, bệnh tình mẹ tôi hoàn toàn hồi phục và có thể đi lại ăn uống. Để cảm tạ tôi có biếu bà lụa trắng, tiền bạc và con ngựa đã đưa bà tới thăm bệnh nhưng bà chỉ nhận tiền không nhận các đồ vật còn lại.

Thời xưa có câu chuyện Biển Thước với bàn tay thần kỳ cải tử hoàn sinh cứu sống thái tử nước Quắc. Ngày nay đa phần những bệnh như ung thư thực quản đều không thể chữa được vậy mà Hàn Y phụ lại có thể chữa khỏi. Kỳ thuật của bà quả đúng là kỳ diệu, bà lại là người không tham phú quý, chẳng phải đó là dị nhân sao!

Theo Zhengjian.org
Kiên Định

Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.